Biên phòng - Từ khi dịch Covid-19 lây lan vào nước ta, những người lính Biên phòng đã phải gác lại niềm riêng để cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Thấu hiểu nhiệm vụ cũng như nỗi niềm của người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch, Thiếu tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam, Đoàn Văn công BĐBP đã viết ca khúc “Tổ quốc và em” như lời tri ân sâu sắc, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi tuyến đầu trong hành trình bảo vệ Tổ quốc, sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Những ngày tháng này, cả đất nước vẫn đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. “Cuộc chiến” chống dịch luôn phải đối mặt với nhiều nhiều khó khăn và thách thức, trong đó, người lính vẫn là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Họ xác định: Chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong tình hình hiện nay. Trong số đó, lực lượng BĐBP đã điều động cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ tại các tổ, chốt, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở trên biên giới ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, góp phần phòng, chống dịch bệnh lây lan vào nước ta.
Là người lính công tác trên mặt trận văn hóa thuộc lực lượng BĐBP, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, xuất phát từ “mệnh lệnh trái tim”, sự thấu hiểu và sẻ chia với những người đồng đội, Thiếu tá Nguyễn Hải Nam đã có một số sáng tác về người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch như “Lá chắn thép nơi biên cương”, “Bài ca lên đường”. Những ngày đầu tháng 10-2021, khi vừa cùng các nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP tham gia luyện tập, biểu diễn nghệ thuật phục vụ Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) 2021 tại Việt Nam xong, Thiếu tá Nguyễn Hải Nam đã bắt tay ngay vào sáng tác ca khúc “Tổ quốc và em” tri ân đồng đội của mình nơi tuyến đầu chống dịch.
Khi Tổ quốc cần, đã có không ít người lính mang quân hàm xanh sẵn sàng gác lại niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Thiếu tá Nguyễn Hải Nam cho biết: “Ca khúc “Tổ quốc và em” là cảm xúc của tôi trước không ít trường hợp người lính Biên phòng gác lại niềm riêng để chống dịch. Có những người lính đã chuẩn bị ngày cưới nhưng vì nhiệm vụ chống dịch đã hoãn đám cưới, hẹn ngày chiến thắng đại dịch sẽ tổ chức. Có người lính Biên phòng đã hoãn đám cưới đến 3 lần. Tôi cảm thấy rất xúc động trước tấm lòng, trách nhiệm của chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu vất vả, xa xôi. Vì Tổ quốc, họ lỗi hẹn với người yêu trong ngày vui quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tôi cũng rất trân trọng, cảm phục những người yêu, người vợ của lính. Họ đã đợi chờ và hy sinh rất nhiều để trở thành hậu phương vững chắc cho những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới, hải đảo xa xôi”.
Bài hát có giai điệu trữ tình, vừa nhẹ nhàng, êm ái, vừa da diết nên rất dễ nghe, dễ hát và dễ đi vào lòng người. Trước thử thách Covid-19, những người lính vì nhiệm vụ chung phải gác lại niềm riêng, lên đường chống dịch. Hạnh phúc lứa đôi phải gác lại chờ ngày chung vui. Bài hát như lời nhắn nhủ của những người lính trên tuyến đầu chống dịch với người thân yêu của mình: “Bài hát ngày chung đôi thôi đành gác lại/Ngày về bên nhau anh sẽ hát tặng em”.
Dịch Covid-19 vẫn đang trào lên những cơn sóng dữ. “Cuộc chiến” với dịch bệnh được xác định trường kỳ, nhiều gian nan. Ở nơi biên giới xa xôi, người lính Biên phòng vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới vào nước ta. “Vượt bão tố, mưa giông canh đường mòn lối mở/ Là những đêm thâu nơi rừng sâu lạnh giá...”. Tuy nhiên, các anh vẫn không quản ngại khó khăn, cùng nhau đoàn kết làm nhiệm vụ, ngày đêm bám chốt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, không để lọt các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép...
Bên cạnh nhiệm vụ, trách nhiệm với đất nước, hành trang trong trái tim người lính thường chất chứa một khoảng trời đầy nỗi nhớ nhung dành cho người mình thương. Đó là những người vợ, người yêu của lính đang ở hậu phương, một lòng hướng về người lính nơi tuyến đầu. Yêu lính, chấp nhận làm vợ lính đồng nghĩa với việc yêu xa, đợi chờ và hy sinh.
Dù ở thời chiến hay thời bình, người vợ, người yêu của lính luôn phải chấp nhận thiệt thòi hơn so với những người phụ nữ khác. Giai điệu trữ tình của bài hát càng khiến cho nỗi nhớ người yêu trong lòng người lính thêm da diết, cháy bỏng. Đó chính là động lực để người lính nơi tuyến đầu yên tâm chống dịch.
Ẩn chứa trong đó là sự quyết tâm chiến thắng đại dịch, là lời hứa của người lính nơi tuyến đầu thầm hứa quyết tâm chiến thắng đại dịch mới trở về với người yêu, người vợ của mình. Họ đã hy sinh hạnh phúc riêng cho một tình yêu lớn hơn - tình yêu Tổ quốc.
Bài hát với giọng hát đong đầy cảm xúc của Trung tá, ca sĩ Huy Long đã thực sự lay động trái tim người nghe nhạc để càng thêm trân quý những người lính mang quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc. Dù mới được đưa lên nền tảng chia sẻ video trực tuyến YouTube và mạng xã hội Facebook nhưng ca khúc này đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.
Ca sĩ Huy Long tâm sự: “ Khi nhận được tác phẩm của nhạc sĩ Hải Nam viết về đề tài người lính trong thời bình đang trên tuyến đầu chống dịch, tôi với tư cách là người lính rất đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn vất vả của đồng đội mình đang ngày đêm canh giữ biên cương Tổ quốc, làm nhiệm vụ chống dịch lây lan qua biên giới. Tôi đã hát với một tâm trạng xúc động và đồng cảm - tâm trạng của người lính xa nhà đang làm nhiệm vụ cao cả, nhưng vẫn hướng về hậu phương và hẹn ngày chiến thắng trở về”.
Giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng, sâu lắng của bài hát “Tổ quốc và em” đã có sức mạnh truyền lửa nhiệt huyết, khơi dậy tình yêu đất nước, quê hương. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Hơn lúc nào hết, lúc này, nhân dân đang cần sự bình yên của cuộc sống. Và để cuộc sống được bình yên thì người lính lại lên đường “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sức khỏe, tính mệnh của nhân dân.
Thanh Thuận