Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 07:36 GMT+7

Hành trang nhà báo

Biên phòng - Khi nghĩ về hình ảnh nhà báo, tôi liền liên tưởng đến người thầy thuốc. Cả hai cùng “chữa bệnh cứu người”. Nếu như người thầy thuốc chữa những “ung nhọt” của cơ thể, giải phẫu để cắt đi những khối u ác tính, thì nhà báo lại chữa những “ung nhọt” của cái ác, cái xấu trong đời sống xã hội, cắt đi những khối u nhiễm độc tố với những căn bệnh mà khó có máy móc tinh vi nào phát hiện được ngoài nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh và cái tâm trong sáng của nhà báo.

Thiếu tá Nguyễn Thị Bích (giữa), phóng viên Báo Biên phòng vượt qua nhiều địa hình hiểm trở để tìm hiểu về đời sống của người dân khu vực biên giới, tháng 6/2022. Ảnh: Hoàng Mai

Nếu như người bác sĩ luôn khoác chiếc áo blouse màu trắng với chiếc ống nghe choàng trước ngực, thì người làm báo khoác “tấm áo nhà báo” đa chức năng, với rất nhiều túi áo để đựng các thiết bị tác nghiệp và luôn khoác bên người chiếc máy ảnh. Ống nghe của bác sĩ để nghe nhịp tim, nhịp thở của người bệnh, còn ống kính thì chớp những khoảnh khắc bất chợt để phát hiện vấn đề: Nhân vật và sự kiện.

Hành trang của nhà báo với tấm áo, ống kính như một “hộ chiếu” của niềm tin mà có lần tôi đã ví: Tấm áo ấy như chiếc phao cứu sinh khi ra với quần đảo Trường Sa sóng gió biển khơi, hay khi vật lộn với những cơn bão dữ dằn hay lũ xiết để chụp ảnh, viết bài, đưa tin kịp thời, nóng hổi; tấm áo ấy như một tấm áo giáp bọc trái tim đầy nhiệt huyết, ngăn chặn những “viên đạn bọc đường”, là lá chắn giống như tấm áo trấn thủ với những đường chỉ may như chiến hào ngang dọc trận chiến Điện Biên Phủ. Tấm áo ấy như dấu chỉ nhận ra phần nào chân dung, hình hài nhà báo.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một nhà báo vĩ đại. Người khai sinh ra báo chí cách mạng, đó là ngày 21/6/1925, Người sáng lập tờ báo Thanh Niên - tờ báo tiếng Việt đầu tiên để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta. Người đã viết báo với hàng chục bút danh, thứ tiếng khác nhau. Từ những ngày trên chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn trong mái lán nhà sàn tre nứa, hay khi về Thủ đô Hà Nội trên ngôi nhà sàn giản đơn, trước mặt là ao cá và ngợp trong tươi xanh của khu vườn đầy hoa trái, hình ảnh Bác thật đẹp bên chiếc máy chữ. Và từ những phím chữ cái đã mòn ấy, Người đã cho ra đời bao chỉ thị quan trọng, những lời kêu gọi như lời hịch rền vang và những bài báo ngắn gọn, súc tích mà có hàm lượng thông tin phong phú, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc, có sức truyền cảm, ảnh hưởng lớn lao. Bác là người rất quan tâm đến sự nghiệp báo chí của đất nước.

Theo Bác Hồ, hành trang của nhà báo luôn mang theo là: Ngoài bản lĩnh, đạo đức của nhà báo, cần phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế, thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức. Người đã dùng những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống thường ngày để ví von, trao đổi một cách thiết thực. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam (8/9/1962), Bác góp ý: “Bài báo thường dài “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng”. Hay: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm”; hoặc: “Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”.

Bác không chỉ là người viết báo, mà còn thường xuyên theo dõi các bài báo nêu gương “Người tốt, việc tốt” để kịp thời thưởng huy hiệu nhằm động viên, khuyến khích, nhân lên điển hình cho mọi người học tập và làm theo. Thật xúc động biết bao khi vào thăm nhà sàn Bác Hồ, chúng ta vẫn còn thấy trang báo Nhân Dân Người còn đọc dở, cạnh đó là chiếc bút chì màu xanh, đỏ để Bác đánh dấu những điểm chú ý mà Người quan tâm.

Hành trang của nhà báo hiện nay được trang bị đầy đủ với các phương tiện máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại. Chỉ riêng một chiếc điện thoại thông minh cũng đã có bao công dụng linh hoạt, ứng dụng kịp thời trong mọi hoàn cảnh. Trong thời kỳ chuyển đổi số “nhanh, nhạy, chuyên nghiệp, hiệu quả” đòi hỏi trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ của nhà báo cần được nâng lên một cách bài bản và thiết thực. Nhưng điều quan trọng quyết định vẫn là trái tim giàu nhiệt huyết, đam mê nghề báo với trình độ chuyên môn sâu và cái tâm trong sáng, bản lĩnh của nhà báo.

Trong chiến tranh và cả trong thời bình, có bao nhà báo đã hy sinh anh dũng. Nhưng còn đó những trang bản thảo nhòe nét mực bởi cơn sốt rét rừng và nhòe cả máu cho những trang báo phập phồng hơi thở cuộc sống đến tay bạn đọc. Còn đó những chiếc máy ảnh, máy quay phim lỗ chỗ vết đạn, người quay, người chụp đã ngã xuống, nhưng những thước phim với những sự kiện lịch sử mà các nhà báo, liệt sĩ đã ghi lại chính là gia tài sống động, quý giá họ để lại cho đời...

Tản văn: Hà Huy

Bình luận

ZALO