Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:53 GMT+7

Hành trang cuộc sống của chàng lính trẻ

Biên phòng - Mỗi khi tiếng kẻng ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, BĐBP Quảng Nam vang lên, Binh nhất Zơ Râm Ngọc lại xuống khu chăn nuôi, tăng gia của đơn vị để bắt đầu công việc được giao. Người lính này luôn lắng nghe âm thanh của những chú lợn con, lợn mẹ. Có hôm xuống tới nơi thì vội chạy lên khoe anh em về việc “chị lợn đen” đã sinh hạ được cả bầy con.

Cứ vài ngày, Binh nhất Zơ Râm Ngọc lại bửa củi để nấu cám nuôi lợn. Ảnh: Văn Chương

Sáng sớm, tiếng kẻng vang lên ở sân Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang vào lúc sương núi vẫn mịt mờ, Binh nhất Zơ Râm Ngọc vội vã xuống khu chăn nuôi và bước chân có vẻ rón rén, tai căng ra lắng nghe. Dường như có những âm thanh lạ. “Một con lợn nái mới sinh nở cả đàn lợn con?” - Ngọc thốt lên và đúng như vậy. Đàn lợn con mới được sinh ra, chú nào cũng dễ thương. Ngọc vội vã lau cho bầy lợn con và hâm lại nồi cháo nóng để lợn mẹ ăn lấy sức sau khi sinh nở.

Mỗi thanh niên bước vào quân ngũ và khi trở về quê hương đều có những kỷ niệm khó quên. Chiến sĩ Zơ Râm Ngọc thì nói vui rằng, mình đã học được nghề chăn nuôi, sau này có thể làm trang trại, là công việc mà trước đó chưa từng nghĩ tới. Ngọc bắt đầu câu chuyện bằng việc mô tả lợn mẹ có cái bụng to, đi qua đi lại lúc lắc. Mỗi khi thấy Ngọc bước tới chuồng, lợn mẹ lại kêu khe khẽ như đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn những chú lợn đang sống thành đàn ở chuồng bên cạnh và suốt ngày ào ào la hét, mặc dù các chú lợn này có bao giờ bị Ngọc bỏ đói.

Ngọc kể, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang đóng quân ngay tại quê nhà của anh. Từ nhỏ, Ngọc đã nhìn thấy hình ảnh các chú BĐBP tuần tra, có lúc vào trường tham gia các chương trình văn nghệ chào mừng những sự kiện lớn. Ngày khai giảng, năm nào cũng vậy, các chú BĐBP tới trường dự lễ, tặng quà các em học sinh nghèo vượt khó. Ngọc có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, chỉ còn mẹ nuôi 3 anh em Ngọc khôn lớn. Nhờ sự quan tâm của các chú BĐBP, khi học xong lớn 12, Ngọc trúng tuyển nghĩa vụ và được khoác lên mình bộ quân phục của người lính Biên phòng.

Binh nhất Ngọc cho biết, thời còn ở nhà với mẹ, chưa làm công việc chăn nuôi như vậy, nhưng khi vào bộ đội thì nhanh chóng được anh em hướng dẫn, sau đó bàn giao lại công việc. Có thời điểm, mỗi ngày, Ngọc phải nấu một nồi cháo cho đàn lợn 40 con. Không gian bếp nằm ở một góc đồn, đó là những ngày trong bộ quần áo của Ngọc phảng phất mùi của chuối, cám. Chuối rừng băm nát nấu với cám trong chảo gang. Bầy lợn đã quen với bàn tay chăm sóc của anh, cứ tới bữa là ủn ỉn đòi ăn. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng nên lợn lớn nhanh, không bị bệnh tật, đơn vị có thêm được nguồn thịt cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

Binh nhất Zơ Râm Ngọc hào hứng với việc chăn nuôi lợn. Ảnh: Văn Chương

Ngọc kể, việc chăn nuôi tính ra khá thú vị, vì anh em ở đơn vị cứ vài ngày xếp hàng lên núi chặt cây chuối, một tốp khác thì vào rừng tìm những cây gỗ đã bị ngã đổ, hoặc cây bị chết khô và cưa thành từng đoạn mang về. Nhiệm vụ của người chăn nuôi là 3 ngày bửa củi một lần. Nhờ công việc này nên bắp tay thêm săn chắc và trông Ngọc ra vẻ một chàng thanh niên trưởng thành. Ngọc kể, việc bửa củi ban đầu cũng vụng về, nhưng chỉ một tuần lễ là đâu vào đấy. Ngọc nhìn vào bếp, chỉ tay vào đống củi lớn và cho biết, bây giờ, em chỉ cần bửa củi một lát là đủ chất đốt để nấu cám cả tuần lễ.

Khi tôi vào bếp thì cậu Binh nhất này vừa nấu xong nồi cám. Cám còn nóng, nhưng bầy lợn con đã “vượt rào” xông ra bếp và quấn quanh chân của Ngọc. Ngọc ôm từng con nựng nịu như dỗ dành đứa trẻ con rằng, phải chờ cám nguội mới cho ăn được, bây giờ phải quay ngay về chuồng trại.

Theo Binh nhất Zơ Râm Ngọc, đồng bào dân tộc Cơ Tu cứ vào dịp cuối năm lại mổ lợn, thịt gà ăn mừng. Có những gia đình nuôi quanh năm cũng chỉ được vài con lợn còi cọc. Ngọc dự định, khi xuất ngũ trở về địa phương vào tháng 2/2023, anh sẽ tham gia các hoạt động xã hội, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi. Đặc biệt, anh sẽ cố gắng phát huy “tay nghề” chăn nuôi để có thể lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Anh cho biết, những kỹ năng, kiến thức mà anh có được trong thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ trở thành hành trang cuộc sống trong tương lai không xa.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO