Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:54 GMT+7

Hạnh phúc trong những “tổ ấm xanh”

Biên phòng - Mỗi người lính Biên phòng đều có “tổ ấm” riêng của mình, nhưng điểm chung nhất là họ thường xuyên phải xa nhà vì đặc thù công việc. Điều đáng trân quý là ở nơi biên cương xa xôi, chính những người lính xa nhà ấy lại gây dựng những “tổ ấm” an toàn, tràn đầy yêu thương cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà họ nhận làm con nuôi. Từ những “tổ ấm” một màu xanh áo lính, nhiều trẻ em người dân tộc thiểu số đã có được cơ hội học tập, rèn luyện để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP tặng quà cho các cháu học sinh được các đơn vị BĐBP Lào Cai đón nhận làm “con nuôi đồn Biên phòng”, năm 2019. Ảnh: Viết Hà

Tôi đã từng đến Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, BĐBP Hà Giang công tác, tìm hiểu cuộc sống, việc thực hiện nhiệm vụ của những người lính ở vùng đất biên ải sương bay gần như quanh năm này. Tôi theo chân họ đi tới những thôn, bản heo hút nên thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Tôi cũng từng chứng kiến những việc làm nghĩa tình của người lính Biên phòng ở Sơn Vĩ dành cho bà con dân tộc, nhưng vẫn lấy làm lạ khi biết những người lính ở đây nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tới 6 em nhỏ người dân tộc Mông. Đó là Hạng Mí Sính, Hạng Mí Lử, Hoàng Văn Vinh, Sùng Thị Mỷ, Thò Thị Dí và Thò Mí Vừ, đều sinh năm 2008. Tất cả đều ở những thôn bản xa xôi, hẻo lánh của xã Sơn Vĩ.

Thiếu tá Đỗ Đại Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cho biết: “Các con nuôi của đơn vị đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có cháu mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng Trung Quốc, có cháu mồ côi mẹ, bố lấy vợ khác. Các cháu ở với ông bà hoặc chú, bác trong điều kiện nghèo khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đưa các cháu về nuôi dưỡng trong đơn vị, chúng tôi muốn bù đắp phần nào sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ cho các cháu. Chúng tôi mong các cháu khi trưởng thành sẽ trở thành công dân tốt, làm cán bộ cốt cán tại địa phương để gây dựng, phát triển quê hương mình”.

Nghe anh nói, tôi mới thấy rằng, chỉ có tình thương và trách nhiệm xã hội lớn lao của người lính trước những hoàn cảnh khốn khó mới khiến họ có đủ tình yêu thương vô bờ bến để che chở, đùm bọc cho các con nuôi như thế. Đó cũng là một cách mà những người lính Biên phòng xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân ở vùng biên ải phía Bắc này.

Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận 6 người con của đồng bào dân tộc về làm con nuôi từ tháng 8-2019, khi các cháu bắt đầu bước vào học lớp 6. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, cả 6 cháu đều coi Đồn Biên phòng Sơn Vĩ là “tổ ấm”, là gia đình đúng nghĩa của mình. Bọn trẻ gọi những người lính Biên phòng là bố, xưng con một cách tự nhiên và thân thương nhất. Cậu bé Hạng Mí Lử nhỏ nhẹ nói với tôi rằng: “Bây giờ thì con thích ở đồn hơn ở nhà cô ạ. Con thương nhất là bố Quý”.

Nhớ lại quãng thời gian đã qua, anh Thắng bảo, đó là cố gắng của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, bởi việc nuôi dạy 6 đứa trẻ không đơn giản là cho các cháu cái ăn, cái mặc. “Ban đầu, các con rất bỡ ngỡ do môi trường sống khác hoàn toàn so với ở nhà, có con khóc sướt mướt vì nhớ gia đình” - anh Thắng nhớ lại. Để đảm bảo nơi ăn, ở cho 6 người con nuôi, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ dành một khu riêng có 4 phòng ở. Trong đó, 3 phòng cho 6 con. Phòng còn lại dành cho Đại úy Lò Văn Quý, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, người đảm trách việc trực tiếp trông nom, chăm sóc các con.

“Để rèn cho các con tính tự lập, chúng tôi làm một vườn rau xanh. Hằng ngày, ngoài giờ học, các con có trách nhiệm chăm sóc vườn rau. Các con cũng được hướng dẫn tập thể dục, vệ sinh cá nhân, quét dọn phòng, giặt giũ quần áo... Đến nay, các con đã quen với nền nếp sinh hoạt của đơn vị, tự giác trong mọi việc. Khi rảnh, các con còn xuống bếp phụ giúp mọi người nấu ăn. Từ ngày có các con nuôi, đơn vị trở nên nhộn nhịp, sôi nổi hẳn lên” - Thiếu tá Thắng kể.

Đại úy Quý là người dân tộc Mông nên có những thuận lợi nhất định trong việc chăm sóc các con nuôi của mình. Anh nói vui với tôi: “Tính ra, thời gian ở cùng con nuôi của tôi nhiều hơn là ở với con đẻ”. Trực tiếp quản lý, chăm sóc các con nên anh Quý hiểu rõ tính nết từng đứa con của mình.

Anh chia sẻ: “Từ những ngày đầu tiên đón bọn trẻ về đơn vị, tôi đã gần gũi, trò chuyện rất nhiều với chúng để tìm hiểu sở thích, sở trường của từng đứa. Mỗi đứa mỗi tính, lại có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên phải có phương pháp giáo dục riêng. Tôi phải sát sao vì chúng đều ở tuổi mới lớn, tâm sinh lý thay đổi từng ngày. 2 cô con gái hay giận dỗi lắm chị ạ. Đôi khi chỉ vì mỗi việc bị bạn nam trêu hoặc bố nhắc nhở đã giận rồi. Tôi không thể quát mắng mà phải phân tích rất nhiều để các con hiểu lẽ đúng sai. Tôi thường nói với các con, có chuyện gì thì hãy nói với bố, chúng ta cùng giải quyết, con cứ im lặng như thế thì làm sao bố biết được. Đôi lúc phải dỗ dành, vỗ vai động viên các con hàng tiếng đồng hồ chúng mới hết giận, mới mở lòng với mình”.

6 người con nuôi Đồn Biên phòng Sơn Vĩ tự mình chăm sóc và thu hoạch rau đưa vào bếp ăn của đồn. Ảnh: Văn Quý

Anh Quý lên chức bố từ 11 năm trước. Anh có 2 con, một trai, một gái. Ấy vậy mà cũng có lúc ông bố này “bối rối”, khó xử khi 2 cô con gái nuôi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. “Với con trai còn dễ nói, còn con gái thực sự khó. Năm nay, các con đến độ tuổi dậy thì, tôi phải chuẩn bị tâm lý cho các cháu. Nếu là mẹ thì sẽ dễ dàng hơn, nhưng tôi lại là bố nên rất khó nói. Sau cùng, tôi phải cậy nhờ các cô giáo nói chuyện, hướng dẫn các con kỹ năng xử lý các vấn đề của phụ nữ” - anh Quý kể.

Anh Quý bảo, điều anh vui nhất là đến nay, các con nuôi đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thực sự coi những người lính trong đơn vị là bố. “Các con đều gọi chúng tôi là bố. Có chuyện buồn vui gì chúng đều chia sẻ với tôi. Được ăn ngủ đầy đủ, bọn trẻ lớn phổng lên, về nhận thức có sự trưởng thành rất nhiều. Tất cả chúng đều tự giác trong mọi công việc” – anh Quý nói với tôi với niềm tự hào.

Gần 2 năm ở Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, 6 đứa trẻ mồ côi cha mẹ đã thực sự tìm được một mái ấm đúng nghĩa, nhận được sự chở che của những người bố mang quân hàm xanh. “Chúng thực sự coi đồn là nhà của mình rồi. Chúng tôi rất hạnh phúc vì điều đó” - Thiếu tá Thắng vui vẻ chia sẻ. Cũng vì thương nhớ những người bố nuôi, năm vừa rồi, khi được về ăn Tết với gia đình, lúc chia tay, tụi nhỏ đều ôm lấy bố nuôi khóc ngon lành vì nhớ các bố. Không đành lòng, những lính ở lại ăn 1 bữa cơm cùng gia đình bọn trẻ, rồi bố con lại ngược đường núi ra đồn đón Tết.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO