Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

Hạnh phúc theo con chữ lên non cao

Biên phòng - Lớp học xóa mù chữ được mở bởi Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La ở bản giáp biên giới Việt Nam-Lào, tọa lạc trên đỉnh núi cao 1.300m so với mực nước biển. Con chữ đến với đồng bào Mông khi nhiều người không còn trẻ nhưng đã mở ra bao nhiêu điều mới mẻ, tươi sáng cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

Thiếu tá Lò Văn Phích và vợ chồng Hạng A Thái - Mùa Thị Dợ. Ảnh: Trúc Hà

Chon von trên đỉnh núi

Con đường lên bản Phá Thóng (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) không chỉ xa mà khó khăn theo cách không tưởng. Để đến với Phá Thóng, chúng tôi phải đi sang xã Mường Lạn, tới bản Khá thì cứ thế xe máy cài số 1 ngược theo con đường bám từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Có đoạn đường lồi lên sống trâu ở giữa cho xe máy đi, đoạn lại đá lổn nhổn chỉ cần sơ sểnh là chiếc xe có thể lao xuống ta luy âm bất cứ lúc nào. Thế nhưng Thiếu tá Vũ Triết Học, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Lạnh vẫn khéo léo điều khiển chiếc xe máy để rồi sau gần 2 giờ đồng hồ thì Phá Thóng cũng hiện ra giữa bồng bềnh, mênh mông mây trắng. Con đường cũng khiến chúng tôi phần nào hiểu tại sao con chữ lại khó đến với đồng bào Mông nơi đây như thế.

Bản Phá Thóng có 70 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông sinh sống. Ở nơi chỉ có mây và núi này, ai cũng nghĩ sẽ chỉ quẩn quanh với nương rẫy, nhưng rồi bà con chợt nhận ra, con chữ nó ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày và ai cũng cần phải biết chữ.

Hạng A Thái là một người trong số đó. Sinh ra ở một bản vùng cao huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trong một gia đình đông con. Năm anh 6 tuổi, bố anh qua đời, mẹ anh đưa 5 anh em Hạng A Thái về bản Phá Thóng sinh sống. Trưởng thành, Hạng A Thái kết hôn cùng Mùa Thị Dợ rồi lần lượt sinh được 4 người con. Ở bản, vợ chồng Thái và Dợ có tiếng là chăm chỉ làm ăn, tham công tiếc việc, thế nên mới sớm tinh mơ đã lên rẫy, tối mịt mới trở về nhà, rồi nuôi thêm gà, lợn, trồng thêm mận, đào... Bởi vậy mà cuộc sống của vợ chồng anh cũng không khó khăn lắm. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong sâu thẳm tâm hồn của người đàn ông người Mông này chất chứa một nỗi niềm khó nói.

Hạng A Thái bảo rằng: “Tôi có 4 đứa con và lần nào đi làm giấy khai sinh cũng rất xấu hổ. Cán bộ đưa cho tờ khai, nhưng vì không biết chữ nên đều phải mang đi nhờ người khác viết. Mà có phải lúc nào họ cũng có thời gian giúp mình đâu nên cứ phải chờ đợi. Người Mông vốn phát âm không chuẩn, thế nên khi tôi nói họ Hạng, người ta lại ghi thành Hàng. Có những lần đi đường vì không biết chữ nên không thể đọc các bảng chỉ dẫn, lại không có ai để hỏi nên tôi cũng không biết mình đứng ở đâu. Đến ngay cả việc dùng điện thoại, vì không biết chữ nên tôi cũng không biết lưu số điện thoại của người khác thế nào... Và những lúc như thế, tôi chợt nhận ra sự quan trọng của việc biết chữ”.

Hạng A Thái không phải là người duy nhất trong bản Phá Thóng muốn học chữ, mà còn có rất nhiều người, trong đó có ông Mùa A Lồng. Ông Lồng bảo: “Tôi đã 64 tuổi nhưng vẫn muốn đến lớp vì học để làm gương cho con cháu. Học để hiểu đúng hơn, rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và chấp hành tốt hơn pháp luật của Nhà nước”. Không ai mơ mộng học để làm cán bộ, chỉ mong mình sẽ biết đọc, biết viết vì mọi người hiểu rằng: “Không biết chữ như bị mù con mắt. Cái gì cũng phải hỏi, dù nó sờ sờ trước mặt”.

Cả bản chỉ có duy nhất trưởng bản Hạng A Sênh biết chữ (đã học hết lớp 3). Bởi vậy, ông lãnh trách nhiệm viết ra những nguyện vọng của bà con trong bản để gửi Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đề nghị mở lớp xóa mù chữ.

Khúc ca trong đêm Phá Thóng

Khi Thiếu tá Lò Văn Phích (phụ trách tổ công tác Biên phòng tại bản Phá Thóng, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh) nhận tờ đơn xin mở lớp học xóa mù chữ của bà con bản Phá Thóng gửi Đồn Biên phòng Nậm Lạnh thì anh mừng lắm. Thiếu tá Lò Văn Phích nhập ngũ vào BĐBP Sơn La năm 1991 và được phân công về Đồn Biên phòng Mường Lạn. Năm 1993, đơn vị mở lớp học xóa mù chữ cho người Mông ở bản Pú Hao (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Vì biết tiếng Mông nên anh được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ làm “phụ giảng”. Là chiến sĩ trẻ hăng hái, nhiệt tình nên chẳng mấy chốc, anh trở thành thầy giáo trực tiếp đứng lớp.

Lớp học xóa mù chữ do Thiếu tá Lò Văn Phích đứng lớp. Ảnh: Trúc Hà

Khi chuyển sang công tác tại Đồn Biên phòng Púng Bánh, anh tiếp tục với “sự nghiệp” thầy giáo quân hàm xanh cả chục năm liền, bởi vậy, lần này anh tự tin đứng lớp vì những kinh nghiệm đã tích lũy được. Niềm vui của anh là đã có những học trò trưởng thành, trở thành cán bộ như Bí thư Đảng ủy xã Sam Kha (huyện Sốp Cộp) Vàng A Tồng; Giàng A Nênh (bản Pú Hao, xã Mường Lạn) đã tốt nghiệp Đại học Tây Bắc; Giàng A Mơ (xã Mường Lèo) hiện là kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp...

Bản Phá Thóng có 5 dòng họ lớn là Hạng, Vàng, Già, Mùa và Sồng. Mỗi dòng họ đều có niềm tự hào riêng và luôn răn dạy con cháu của mình phải cố gắng, không thua kém người khác. Bởi vậy mà từ con số 30 đăng ký ban đầu, chỉ mấy ngày sau, lớp học đã lên tới 50 học viên. Cả người già, phụ nữ đang nuôi con nhỏ cũng đến lớp.

Từ khi lớp học khai giảng, cả hai vợ chồng Hạng A Thái đều đăng ký đi học. Để đến lớp đúng giờ, đôi vợ chồng trẻ bảo ban nhau phải thu xếp công việc. Ăn cơm xong, cả hai lại dắt theo 3 con nhỏ đến lớp. Đứa thì cho ngồi bên cạnh mẹ, đứa thì ngồi cạnh cha, đứa thì chơi với bạn ở ngoài sân. Có hôm tan học, hai vợ chồng ra tới cửa, thấy con ngủ ngoài hiên từ lúc nào.

Theo tập quán, mỗi dòng họ ở Phá Thóng sẽ sinh sống tập trung ở một quả đồi, có nhà cách lớp học 30 phút đi bộ, thế nhưng hiếm lắm mới có người tới muộn hoặc nghỉ học. Ai cũng cố gắng vì sợ không theo kịp người khác và vì đến lớp học được bao điều thú vị. Những tiết học của thầy giáo Lò Văn Phích không chỉ dạy chữ, làm phép toán, mà có cả những bài học về giáo dục pháp luật, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thầy giáo Phích không chỉ nói tiếng Mông giỏi, mà còn là người rất am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào nên gần như không có khoảng cách giữa thầy và trò, những bài học vì thế mà cũng dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Giọng nói dịu dàng, phong thái điềm đạm, thầy Phích động viên những người đọc chậm, khen ngợi những ai làm phép tính nhanh.

Sau 6 tháng miệt mài, đến nay, tất cả học viên của lớp học đã đọc thông, viết thạo, sẵn sàng bước vào kỳ thi sát hạch. Cả thầy và trò ai nấy đều phấn khởi với bao dự định mới.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO