Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 11:39 GMT+7

Hạnh phúc ở những ngôi làng “ánh sáng”

Biên phòng - Giữa rặng núi xanh rì ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, thỉnh thoảng lại hiện ra một ngôi làng như được bàn tay con người cắt ghép và tạo hình trên sườn núi, dưới một thung lũng nhỏ, hoặc khoảng yên ngựa. Đó là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Cơ Tu sống trên các sườn núi được “quy hoạch” về đây sống định canh, định cư.

 

w6bm_23b
Anh Lăng Tơn bên cây đào được mang từ miền Bắc vào. Ảnh: Lê Văn Chương

Làng trên yên ngựa

Từ sáng sớm, tiếng chiêng đã vang lên từ làng Dading 2, xã Ga Ri, huyện Tây Giang. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng này ẩn hiện dưới làn sương mù dày đặc của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những người dân địa phương cho biết, đó là tiếng chiêng tạ ơn của dân làng về việc trời đã ban cho họ săn được con thú. Rừng già ở Dading 2 giờ đây đã lùi dần về những dãy núi xanh xa khuất. Nhưng núi rừng ở gần đây vẫn đều đặn “ban tặng” cho đồng bào đi nương rẫy các loại sản vật như: Lợn rừng, nhím, mang, nai, sóc bay...

Gần 10 giờ sáng, những đám mây đầy hơi nước và sương mới tản dần, “để lộ” ra ngôi làng Dading 2 nằm giữa hai quả đồi như hình yên ngựa. Dading 2 có 3 mặt giáp với bờ vực nối liền với một bình nguyên rộng, tán rừng thấp rồi đến dãy núi cao vút và xanh thẳm. Trông xa, 20 ngôi nhà của làng Dading 2 như được sắp đặt ngay ngắn trên một chiếc đĩa gắn vào vách núi. Sống ở khu định cư định canh, đồng bào được ra khỏi những cánh rừng âm u, không bị đe dọa bởi núi lở, lũ quét.   

Cách ngôi làng này không xa là làng Dading 1, nhưng không nằm cạnh một bình nguyên rộng mà được “khoét” giữa rừng một hình giống như trái tim và được bao quanh bởi hơn 50 ngôi nhà mái tôn. Nhà gươl là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân ở Dading 1 không xây giữa sân mà được làm lệch một góc, nhường lại diện tích để làm sân bóng đá, bóng chuyền. Đang vào ngày mùa nên nhà nào cũng vắng người, nhưng cửa thì vẫn mở toang. Nếu muốn tìm nhà ai trong các ngôi làng này thì chỉ việc đọc danh sách từng thành viên trong gia đình được in cùng số nhà và dán ngay trước cửa.

Tôi gọi đây là những ngôi làng “ánh sáng”, vì về sống nơi đây, đồng bào gần gũi nhau như người trong một gia đình, ngôi nhà nằm trên không gian rộng nên tràn ánh mặt trời. Còn trong quá khứ, những ngôi nhà cùng bao phận người khắc khổ sống rải rác khắp khe núi.

Những mái nhà cách điệu

Sống ở khu dân cư tập trung, có cuộc sống ấm no, đồng bào ở Tây Giang lại hướng đến “ngôi nhà đẹp”. Tại thôn Ganil, xã A Xan, dù là nhà gỗ, nhưng bà con vẫn thi công cầu kỳ, làm thành nhà hai tầng, có ngôi nhà làm 3 gian, nhưng lợp mái cách điệu thành 8 mái xuôi ngược đủ loại.

Tại các vị trí cửa trước và 2 cửa hông đều được mở thêm mái nhô để che nắng, che mưa, thay vì chỉ làm một bờ hiên nhỏ. Có ngôi nhà lợp mái theo hình thức mái vòm song song và lợp thành 9 mái từ thấp đến cao, tạo hình lượn sóng khá lạ mắt. Màu của mái tôn phần lớn được lựa chọn mái nhà màu xanh nhạt, sau đó là xanh đậm và màu đỏ.

Để đồng bào sống trong không gian xóm giềng đoàn kết, có nơi sinh hoạt và gìn giữ bản sắc văn hóa, mỗi ngôi làng đều xây dựng một nhà gươl nằm chính giữa khu dân cư. Vào ngày Tết, nhà gươl trở thành nơi tụ họp và chung vui đón Tết của cả làng. Để gây quỹ ăn Tết chung, có làng quy định nhà ai gặt lúa hoặc làm nhà thì cả xóm đến giúp. Nhưng chủ nhà đó phải bỏ vào quỹ 200 nghìn đồng. Có xóm cuối năm tính quỹ được vài chục triệu đồng, số tiền này đủ cho bà con gõ cồng, chiêng, nâng ly rượu trong suốt mấy ngày Tết.  

Sống ở làng mới, đồng bào Cơ Tu còn tạo thêm niềm vui cho cộng đồng bằng cách tạo ra không gian đẹp trong nhà gươl. Tại thôn K,noonh, xã A Xan, cả làng tập trung đục đẽo, khắc những con vật cùng một số hình tượng lên các cột nhà gươl. Việc khắc con gì được cả làng mang ra bàn thảo.

Các cụ già trong làng và trưởng thôn đã hiến kế khắc hình ảnh trận đánh Pháp ở đồn Rùm để giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu. Anh Hối Tiến, Trưởng thôn K,noonh cho biết: “Sắp tới, chúng em sẽ mang toàn bộ các nông cụ sản xuất từ ngày xưa ra đặt ở nhà gươl để mọi người nhớ về thời cha ông mình đã canh tác làm ăn ra sao”.

5376_23a
Làng Dading 1. Ảnh: Lê Văn Chương

Khi khắc họa hình nhân vật, bà con bao giờ cũng chạm khắc tượng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà. Anh Zơ Râm Ngót, một người nông dân ở K,noonh, nhưng tự mày mò học hỏi nghệ thuật chạm khắc trên nhà gươl và được dân làng xem như nghệ nhân. Anh Ngót cho biết: “Cả làng đều bảo khắc tượng Bác Hồ vì đây là người cha của dân tộc, còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Nhà ở miền xuôi chỉ có số nhà, còn ở các khu dân cư trên rừng núi này cũng được đánh số và quản lý theo một cách riêng. Tại thôn Dading 1, số nhà được in trên tờ giấy bìa màu vàng có hoa văn chìm óng ánh. Trên trang bìa này ghi đầy đủ tên và năm sinh của chủ hộ, sau đó là toàn bộ các thành viên trong gia đình. Phần cuối cùng ghi người phụ trách chung là Hốih Nhái và người phụ trách hộ là Pơloong Chrếêch. Đó là những cán bộ xã được giao hướng dẫn các gia đình chăn nuôi và trồng trọt.

Làng hoa trên lưng núi

Những cánh hoa rừng treo trước các ngôi nhà tại thôn A Răng, xã A Xan rung rinh trong gió. Giữa ngôi làng vang lên tiếng cười khi các thanh niên nam, nữ chạy ra sân đá bóng, đánh bóng chuyền. Anh Bling Trưa, Trưởng thôn A Rớt mở sổ theo dõi được nhà trường gửi xuống xã chuyển cho từng thôn. Vào dịp Tết hoặc dịp nghỉ hè, từng thôn tiếp tục theo dõi, nhận xét đạo đức của từng em, sau đó lập danh sách gửi nhà trường và Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện.

Toàn huyện Tây Giang có 92 làng (95% dân số là người Cơ Tu) và đã được địa phương tạo dựng 70 mặt bằng để đồng bào về sống thành làng tập trung, mỗi ngôi làng đều có nhà gươl để sinh hoạt cộng đồng, có sân bóng đá, bóng chuyền để khích lệ phong trào thể dục - thể thao.  

Nông thôn mới là gì? Đối với đồng bào Cơ Tu ở nhiều ngôi làng “ánh sáng” khi được hỏi thì chỉ trả lời đơn giản: “Đó là trồng hoa, cây ăn quả, dọn sạch nhà cửa, không ở trên núi mà xuống sống với nhau thành làng”. Ở thành phố, nhiều nơi vẫn xả rác bừa bãi, nhưng ở giữa rừng, nơi mà người dân chỉ cần ra sau nhà lẳng bao rác xuống chân núi là xong. Thế nhưng, người dân ở trong những ngôi làng “ánh sáng” này vẫn duy trì thùng rác được đặt ở đầu và cuối thôn. Trưởng thôn định kỳ thông báo cho người dân đi đổ rác để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tại thôn A Răng, xã A Xan, do làng mới được xây dựng tại khu vực có mặt bằng rộng, vì vậy, bà con trồng hoa và cây ăn quả trước nhà. Anh Lăng Tơn đang chăm chú nhìn cành hoa đào được mang từ miền Bắc vào, sắp trổ hoa, còn những ngôi nhà gần đó thì dâm bụt nở hoa đỏ, cây thông xanh, cây sung trĩu quả từ ngọn xuống gốc... Đi qua ngôi làng tạo hình thường nghe đồng bào kể chuyện Tết này không tổ chức đâm trâu nữa.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO