Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Hạnh phúc của người lính mang quân hàm xanh

Biên phòng - Hơn 20 năm qua, hạnh phúc của vợ chồng Thượng tá Lê Văn Sỹ (Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình) và Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy (Phòng Hậu cần, BĐBP Quảng Trị) là cùng động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Có hậu phương vững chắc, anh mải miết với những vùng đất biên cương, chị cũng dành nhiều thời gian cho công việc của một y sĩ Biên phòng để thỏa mong ước được giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Gia đình của Thượng tá Lê Văn Sỹ và Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy. Ảnh: Trúc Hà

Khi hậu phương cũng là tiền tuyến

Năm 2020, Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân số, gia đình và trẻ em, giai đoạn 2016-2020. Sự ghi nhận của cấp trên tạo thêm động lực để chị cố gắng hơn nữa trong công tác.

Ngày cuối năm, Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy không chỉ bận rộn với việc chuyên môn mà còn bận bịu với công tác thiện nguyện của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh. Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới Quảng Trị khi mà dịch Covid-19 kéo dài và mưa lũ triền miên. BĐBP Quảng Trị đã kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân ủng hộ vật chất để giúp người dân chống chọi với lũ lụt, dịch bệnh.

Lũ muộn và lớn nên bà con chưa kịp khôi phục sản xuất để có thể thu hoạch trước Tết, thế nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Một lần nữa, BĐBP Quảng Trị kết nối với các tổ chức, mạnh thường quân để “lo cho bà con một cái Tết no ấm”. Và, chị Thủy lại cùng mọi người thay phiên nhau theo những chuyến xe chở hàng lên biên giới cho bà con.

Cuối tháng 11-2020, một tổ chức từ thiện ở Hà Nội thông qua BĐBP Quảng Trị ủng hộ cho đồng bào biên giới mỳ tôm, quần áo và gạo, nhưng vì quốc lộ 1 ngập nên đơn vị cử một số cán bộ, chiến sĩ, trong đó có Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy đi xe ra thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhận hàng. Thời điểm đó, Thượng tá Lê Văn Sỹ cũng từ Đồn Biên phòng Làng Mô về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh họp, thấy vợ cùng mọi người vác hàng từ thiện chạy mưa mà thương vô cùng. Vợ chồng gặp nhau trong hoàn cảnh ngỡ như chỉ có trong tiểu thuyết. Khi thùng hàng cuối cùng được xếp lên xe, lúc ấy, 2 vợ chồng mới ngồi cạnh nhau, cùng ăn bát mỳ tôm “không người lái”, rồi chị Thủy lại vội vàng theo xe trở về thành phố Đông Hà.

Xe chạy rồi, nhìn qua gương chiếu hậu vẫn thấy chồng đứng đó, chị Thủy lại nghĩ đến thời gian hơn 20 năm trước, chị cũng đứng nhìn theo bóng chồng khuất dần trên con đường lên biên giới. 20 năm mà cảm xúc vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Hơn 20 năm nên nghĩa vợ chồng thì quá nửa thời gian, Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy lại “gói ghém” tình yêu và nỗi nhớ gửi lên biên giới... Ở nơi ấy, trên cung đường nhánh Tây Trường Sơn, chồng chị đang ngày đêm cùng đồng đội canh giữ đất trời biên cương...

Niềm vui của vợ chồng Thượng tá Lê Văn Sỹ và Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy là những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Con gái đầu Lê Đặng Phương Uyên hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ nhỏ, Phương Uyên luôn là học sinh đứng top đầu, lớp 11 đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh và được tuyển thẳng Đại học. Trong thời gian học đại học, Uyên được nhận học bổng tại Cộng hòa liên bang Đức. Còn cậu con trai Lê Nguyên Giáp suốt 8 năm liền cũng đều là học sinh giỏi của lớp. Bố công tác xa nhà, mẹ thường xuyên phải đi biên giới, nhưng Giáp tự chăm sóc bản thân mình, chăm chỉ học hành để bố mẹ yên tâm công tác.

Ở nơi ấy, phía Tây Trường Sơn

Hơn 10 năm trước, Thượng tá Lê Văn Sỹ là Chính trị viên Đồn Biên phòng Cù Bai, BĐBP Quảng Trị - 1 đơn vị 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nằm trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Lần này, nhận công tác tại Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình, cũng nằm trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, Thượng tá Lê Văn Sỹ coi như một cái duyên với Trường Sơn. Qua các đợt luân chuyển công tác, anh nhận ra, ở nơi nào, tình cảm của đồng bào Vân Kiều và BĐBP cũng vẫn luôn trước sau như một.

Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11-2020, xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi lũ chồng lũ. Đời sống của đồng bào Vân Kiều vốn khó khăn, nay lại càng khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô đã nỗ lực giúp nhân dân di chuyển đến nơi an toàn, làm lán tạm cho đồng bào ở những ngày sau lũ chờ nước rút rồi phối hợp với chính quyền địa phương kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, rét. Khi lũ đi qua, các anh lại nghĩ đến bài toán “sinh kế cho đồng bào”, bởi vậy, thay vì kêu gọi lương thực, nhu yếu phẩm, các anh đã tư vấn cho các đoàn thiện nguyện tặng gà, vịt, lợn giống, máy cày, máy xay xát để bà con khôi phục sản xuất.

Công việc cứ thế cuốn đi, nên dù chỉ cách nhà hơn trăm cây số, nhất là chạy theo đường Hồ Chí Minh chỉ chưa đầy 2 tiếng, thế nhưng cả mấy tháng, Thượng tá Lê Văn Sỹ cũng không thể về thăm nhà. Hai vợ chồng trên hai mặt trận nhưng vẫn luôn dành thời gian động viên, cùng nhau vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Biết anh lo cho ba mẹ con, chị Thủy chủ động nhắn tin cho chồng: “Ba yên tâm, mọi thứ ổn, mẹ còn đi biên giới được để lo cho đồng bào cơ mà”.

Mới hôm qua, Thiếu tá Đặng Thị Thu Thủy nhận được tin nhắn của chồng, rằng, có thể năm nay sẽ ở lại trực Tết, chị đã nhắn lại động viên chồng nhưng cũng là động viên chính mình: “Ba cứ yên tâm, còn mùng là còn Tết, nên cứ về trước mùng 10 tháng Giêng là được”. Trong thâm tâm chị, nếu nói “bình thường” là nói dối, bởi có người phụ nữ nào không muốn bên chồng con vào khoảnh khắc giao thừa. Thế nhưng, dường như việc đón Xuân không có chồng bên cạnh không còn nhiều hụt hẫng, bởi là người lính, chị hiểu việc trực Tết là nhiệm vụ thiêng liêng.

Chưa kể, bố và anh trai chị cũng là BĐBP, cả cuộc đời gắn bó với biên giới, ngay từ nhỏ, chị đã “quen” với hình ảnh người phụ nữ lo toan tất thảy trong những ngày Tết. Bởi vậy mà khi quyết định lấy anh Sỹ, chị Thủy không còn lạ lẫm với việc ngày Tết vắng bóng người đàn ông của gia đình. Rồi con gái và con trai cũng rất hiểu chuyện, không còn khóc, gọi điện: “Ba ơi, về đi mua cành đào không người ta mua hết rồi”, như ngày nào, mà đã biết động viên: “Ba cứ yên tâm trực hết Tết ba về thì nhà mình đón Xuân càng vui”. Mùa Xuân của những gia đình “cả nhà làm quân nhân” dù ở xa mà lại rất gần như thế!.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO