Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Hành lang pháp lý để phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới

Biên phòng - Sau khi Quốc hội (QH) khóa XIV ban hành Nghị quyết số 78/2019/QH14 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 842/QĐ-TTg, Bộ Quốc phòng đã giao Bộ Tư lệnh BĐBP - Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo khẩn trương tiến hành soạn thảo Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, đúng kế hoạch đề ra. Tại Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV, QH sẽ thảo luận Luật BPVN tại tổ vào ngày 10-6 và tại hội trường vào ngày 16-6. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP, Tổ phó Thường trực Tổ biên tập Luật BPVN về quá trình xây dựng luật.

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh. Ảnh: Viết Hà

- Đề nghị đồng chí Phó Tư lệnh BĐBP cho biết sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật BPVN?

- Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa IX thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 7-4-1997; là cơ sở pháp lý quan trọng xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (BGQG), bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Sau hơn 20 năm thi hành, Pháp lệnh BĐBP đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG chưa được thể chế hóa thành pháp luật; chưa tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG. Pháp lệnh BĐBP chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến BĐBP, chưa đề cập đến các chủ thể khác trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG; một số quy định chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013; nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP được quy định trong nhiều văn bản pháp luật dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Đặc biệt, thực tiễn hơn 60 năm qua, BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được quy định cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý trong quản lý, bảo vệ BGQG. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập, việc xây dựng Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới.

- Quá trình xây dựng Luật BPVN đã được Ban soạn thảo tiến hành công phu, kỹ lưỡng, đề nghị đồng chí nói rõ hơn về điều này?

- Ngay sau khi tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP và trước yêu cầu của thực tiễn công tác xây dựng, bảo vệ BGQG trong tình hình hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ, UBTVQH cho phép xây dựng Dự án Luật BPVN. Từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Quốc phòng tổ chức lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hoàn thiện hồ sơ báo cáo gửi Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH. Tại Phiên họp thứ 33 ngày 10-4-2019, UBTVQH đánh giá cao hồ sơ Luật BPVN được chuẩn bị công phu, chất lượng tốt và được QH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; lấy ý kiến QH tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.

Ngay sau khi QH ban hành Nghị quyết số 78/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-TTg, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã triển khai việc soạn thảo Dự án Luật BPVN. Từ tháng 7-2019 đến tháng 11-2019, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức lấy ý kiến của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành phố biên giới và các cơ quan, đơn vị trong quân đội; tổ chức khảo sát, tọa đàm, hội thảo tại các đơn vị BĐBP và địa phương tại 3 khu vực (miền Bắc tại Lào Cai, miền Trung tại Thừa Thiên Huế và miền Nam tại Tây Ninh). Sau khi hoàn thành các cuộc hội thảo, dự án luật được Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020, Chính phủ đã nhất trí thông qua Dự án Luật BPVN, trình UBTVQH thảo luận tại Phiên họp thứ 43. Các đại biểu tham dự phiên họp nhất trí cao với dự thảo Luật BPVN và UBTVQH đồng ý trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9. Hiện nay, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đang phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các văn bản khác phục vụ các đại biểu thảo luận tại tổ vào ngày 10-6 và tại hội trường vào ngày 16-6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 sắp tới.

- Luật BPVN được ban hành sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nào cho lực lượng BĐBP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thưa đồng chí?

- Luật BPVN được ban hành sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý, bảo vệ BGQG của các chủ thể nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng. Luật BPVN đã thể chế hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” và là văn bản pháp lý cao trong quản lý, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; khắc phục triệt để những bất cập về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; làm rõ những nội dung quy định thiếu tính thống nhất và một số thuật ngữ đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, khắc phục được tình trạng nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật, gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng BĐBP.

- Đồng chí có thể phân tích một số điểm mới, các nội dung nổi bật nhất của Luật BPVN?

- Luật BPVN được ban hành là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các lực lượng nói chung, BĐBP nói riêng xác định trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, thiết thực bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Có thể khẳng định rằng, Luật BPVN bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Trong đó, có nhiều quy định mới, nổi bật nhất là: Quy định đầy đủ về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tại Điều 4 quy định rõ nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách.

Ngoài ra, Luật BPVN quy định hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP mà trước đó chưa có văn bản pháp lý nào quy định. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để BĐBP thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao. Bổ sung đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tế quản lý, bảo vệ BGQG của BĐBP.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh BĐBP!

Viết Hà (thực hiện)

Bình luận

ZALO