Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Hành động vì trẻ em

Biên phòng - 68,4% trẻ em Việt Nam (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo hành, xâm hại dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục... Con số trên được đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đưa ra thực sự gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xâm hại trẻ em rất phổ biến ở Việt Nam.

ud15-3a-w550
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành nhấn nút phát động chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Bích Nguyên

Từ đầu tháng 6 đến nay, cả nước bước vào Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em". 

Một tháng qua, dù thực thi nhiều hoạt động hướng tới trẻ em, song đến nay, còn một bộ phận trẻ em chưa được bảo đảm quyền lợi, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội, việc triển khai thực hiện quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều thách thức. Tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị bạo hành, xâm hại tình dục vẫn diễn biến nghiêm trọng ở nhiều địa phương, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học...

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính là do nhận thức xã hội về tôn trọng và đáp ứng các quyền của trẻ em chưa chuyển biến thật sự mạnh mẽ, sự quan tâm của xã hội, gia đình đối với trẻ em vẫn chủ yếu trên cơ sở nhân đạo và đạo lý, chưa dựa trên nhận thức về trách nhiệm pháp lý, còn khoảng cách giữa luật, các chế tài và thực tế cuộc sống.

Thực tế, các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Trong khi công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Thừa nhận số liệu do đại diện UNICEF cung cấp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, khó khăn. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp, trên 50% trong số đó bị xâm hại tình dục. 

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi trên thực tế, nhận thức xã hội về quyền trẻ em chưa đầy đủ khi còn nhiều hành động tưởng chừng "không có gì ghê gớm" nhưng thực chất là vi phạm Luật Trẻ em như: Phương pháp giáo dục "yêu cho roi, cho vọt" vẫn được sử dụng trong trường học và gia đình; một số báo, đài thông tin chi tiết, phản cảm về những vụ việc xâm hại trẻ em; nhiều bộ phim dán nhãn 18+ nhưng sử dụng diễn viên trẻ em ở độ tuổi vị thành niên... 

Theo UNICEF, đây là thời điểm cấp bách để Việt Nam tạo ra kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em. Các chuyên gia khuyến nghị, trước tiên phải tăng cường khuôn khổ pháp lý, sửa Luật Trẻ em để mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được bảo vệ trước mọi hành vi bạo lực, xâm hại. Kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, có sự giám sát các chương trình hành động của mỗi bộ, ngành, nhất là tăng cường trách nhiệm của các địa phương và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Luật Trẻ em.

Thiết nghĩ, muốn chăm lo cho thế hệ mai sau tốt hơn, các cấp, ngành, gia đình, xã hội ý thức hơn nữa, hiểu sâu sắc hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực thi quyền trẻ em. Hãy tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em để cùng hành động vì trẻ em, đó là trách nhiệm của mỗi người lớn.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO