Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Hành động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Biên phòng - Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chọn năm 2019 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” nhằm thúc đẩy các cấp hội, phụ nữ cả nước, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường an toàn để phụ nữ và trẻ em (PN&TE) có cơ hội phát triển toàn diện và phát huy hết tiềm năng của mình. “An toàn cho PN&TE” sẽ là chủ đề xuyên suốt, được tiếp nối trong nhiều năm.

ud15_3a
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành nhấn nút phát động chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Bích Nguyên

Mỗi ngày có 68 phụ nữ và trẻ em bị bạo hành và xâm hại

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều PN&TE phải chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, bất bình đẳng giới và các rào cản xã hội khác, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và phát triển lành mạnh của họ.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2015, trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có 61 phụ nữ, 7 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. Năm 2018, số trẻ bị xâm hại tình dục trung bình mỗi ngày đã tăng lên con số 4,6. Điều đáng nói của các vụ xâm hại, bạo lực, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường... không chỉ đơn thuần là những con số, mà còn là vấn đề sức khỏe của hôm nay, đằng sau đó là hậu quả nặng nề không thể đo đếm được để lại cho PN&TE và gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới nòi giống cũng như tới sự phát triển kinh tế, đảm bảo trật tự an ninh xã hội. Chỉ đơn cử ở góc độ kinh tế và cũng chỉ tính riêng đối với vấn đề bạo lực giới, theo nghiên cứu của Liên hợp quốc (công bố năm 2012), tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Việt Nam do bạo lực giới gây ra ước tính khoảng 1,78% GDP”.

Trước thực trạng trên, Hội LHPN Việt Nam chọn năm 2019 là “Năm an toàn cho PN&TE” và kêu gọi mọi người hãy quyết tâm nhiều hơn nữa vì sự bình an của mỗi người dân, của PN&TE bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo bà Hà, an toàn là nhu cầu tự thân. “Mỗi ngày, mỗi người chúng ta hãy hành động vì một xã hội an toàn. PN&TE cần biết cách tự bảo vệ mình. Mỗi cấp hội phụ nữ nhất định phải lấy sự an toàn của PN&TE là một trong những mục tiêu hàng đầu để hành động. An toàn cho PN&TE là hạnh phúc, là bình an của mỗi gia đình, góp phần phát triển bền vững đất nước. Và chúng ta cùng hành động vì điều đó ngay từ hôm nay” – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam kêu gọi.

“Các cấp, các ngành chung tay cùng Hội LHPN Việt Nam lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em là mục tiêu hành động, tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện có hiệu quả “Năm an toàn cho PN&TE” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Đặc biệt quan tâm phụ nữ và trẻ em vùng biên giới, hải đảo

Với chủ đề “An toàn cho PN&TE”, năm 2019 tập trung vào 3 nội dung chính: An toàn cho PN&TE trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại PN&TE; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe cho PN&TE. An toàn cho PN&TE nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trong môi trường mạng, an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.

Tại lễ phát động “Năm an toàn cho PN&TE”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thông điệp, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vấn đề phát triển của PN&TE trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng nêu rõ: “Trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, an sinh, an toàn, trong đó đặc biệt quan tâm đến PN&TE, nhất là các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo cùng đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Đã đi tới rất nhiều vùng miền của đất nước, diễn viên Quyền Linh chia sẻ: “Ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho PN&TE. Vẫn còn hình ảnh những ông chồng say rượu về đánh vợ, đánh con. Vì vậy, hành động vì sự an toàn cho PN&TE là điều rất cần thiết”.

Còn Hoa hậu H’Hen Nie thì cho rằng để đảm bảo an toàn cho mình, PN&TE vùng sâu, vùng xa cần phải có ý chí, suy nghĩ bảo vệ bản thân bằng cách học tập, thu nạp thật nhiều kiến thức xã hội. “Với trẻ em vùng, sâu vùng xa, vùng biên giới hãy luôn suy nghĩ rằng, mọi ước mơ trong cuộc sống của mình đều có thể làm được. Như lúc đi thi Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế, H’Hen luôn nói rằng tôi có thể làm được thì bạn cũng có thể làm được. H’Hen tin tất cả trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nếu có một ý chí vươn lên sẽ chiến thắng số phận của mình. Hãy làm tất cả vì hạnh phúc của bản thân mình, vì chỉ có bản thân mới biết mình muốn gì, cần làm gì. Hãy luôn theo đuổi ước mơ của mình” - H’Hen Niê nói.

Chung tay vì sự phát triển của phụ nữ, ngay tại lễ phát động “Năm an toàn cho PN&TE”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoa hậu H’Hen Nie, diễn viên Quyền Linh và các vị đại biểu đã tham gia nhắn tin ủng hộ nguồn lực hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển sinh kế năm 2019.

Từ năm 2018, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với BĐBP tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thu hút được sự quan tâm, khơi dậy được trách nhiệm và sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ phụ nữ ở miền núi, biên giới, hải đảo có hoàn cảnh khó khăn. Trong đợt phát động nhắn tin đợt 1, chương trình nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong cả nước. Hơn 73 nghìn tin nhắn, trị giá hơn 1,4 tỉ đồng được gửi tới chương trình đã hỗ trợ 14 mô hình sinh kế tại 14 xã biên giới. Đến nay, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã huy động được trên 37 tỷ đồng hỗ trợ 110 xã biên giới khó khăn về cơ sở vật chất, nhu cầu thiết yếu cho hội viên, phụ nữ.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO