Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Hành động mạnh mẽ

Biên phòng - “Những cam kết và hành động của tất cả chúng ta hôm nay sẽ giúp để lại một hành tinh xanh, một không gian sinh tồn bền vững và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau”. Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia.

Theo Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu dự kiến sẽ tăng trở lại khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong khi chỉ dưới 20% các khoản đầu tư phục hồi kinh tế của các nước là có khả năng giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện tại, trái đất đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và vẫn đang đi trên quỹ đạo ấm lên dự kiến là 2,7 độ C. Các nhà khoa học cảnh báo, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng lên trong những năm gần đây. Mùa hè vừa qua, thế giới đã chứng kiến rất nhiều thảm họa cháy rừng, lũ lụt và những đợt nắng nóng.

Lời cảnh báo của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đạt được hy vọng giữ sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Bởi, các quốc gia phát triển (chiếm khoảng 3/4 lượng khí thải toàn cầu) đã không đi đúng hướng để đáp ứng các cam kết cắt giảm khí thải mà họ đã đưa ra tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015. Sự ấm lên của trái đất trong thập kỷ qua vẫn chưa giải quyết được đầy đủ vấn đề về khí thải nhà kính.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, lãnh đạo và đại diện 197 bên tham gia Công ước tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này. Các nước phát triển cần thực hiện đúng cam kết huy động ít nhất 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu.

Với các cam kết trên có thể dẫn đến việc cắt giảm 7,5% lượng phát thải khí nhà kính của thế giới vào năm 2030. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, lượng khí thải sẽ cần phải giảm nhanh hơn khoảng 7 lần so với kế hoạch của các nền kinh tế lớn. Chưa kể, trong khi hàng chục quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì nhiều quốc gia đang trì hoãn hành động.

Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua, nhưng Việt Nam đã và đang đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Việt Nam đã giảm được lượng khí thải khoảng 17 lần so với giai đoạn trước đó. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu vào năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm thêm 40 lần nữa, tương đương 83,9 triệu tấn CO2tđ. Nếu có sự hỗ trợ quốc tế, con số giảm phát thải có thể là 250,8 triệu tấn CO2tđ.

Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên đã trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Đây chính là yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Đồng thời nhận được sự hợp tác quốc tế trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO