Biên phòng - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng triệu người Việt Nam đã và đang phải hứng chịu hậu quả nặng của chất độc da cam/dioxin và của bom mìn. Chính vì vậy, công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Theo kết quả thống kê của cơ quan chức năng, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12-2017 là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước. 63/63 tỉnh,thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ ô nhiễm khác nhau. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng, trong 5 năm trước có 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Số nạn nhân của bom mìn, vật nổ được báo cáo tại các tỉnh này là 1.813 trường hợp, trong đó 919 người bị chết và 894 người bị thương. Tỷ lệ tử vong trong tổng số nạn nhân là 50,7%.
Ngoài chịu ảnh hưởng ô nhiễm bom mìn, Việt Nam còn hứng chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm chất độc da cam/dioxin do các nước sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Đại tá Thân Thành Công, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) cho biết, trong giai đoạn 1961-1971, khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ được phun rải xuống trên diện tích 2,63 triệu ha ở miền Nam Việt Nam.
Trong đó, chất da cam chiếm khoảng 61% tổng chất diệt cỏ được sử dụng, với khoảng 366 kg dioxin. Hơn 2 triệu ha rừng bị tác động ở nhiều mức khác nhau, gây thiệt hại tức thời hơn 90 triệu m3 gỗ, 150.000 ha rừng ngập mặn ở Nam bộ và nhiều hệ sinh thái rừng phong phú ở miền Nam Việt Nam bị ảnh hưởng. Bên cạnh các khu vực trực tiếp bị phun rải, các căn cứ quân sự do Quân đội Mỹ sử dụng để lưu trữ, pha trộn, truyền tải, tẩy rửa máy bay trước và sau các nhiệm vụ cũng bị ô nhiễm nặng nề chất độc hóa học/dioxin… Khoảng 4,8 triệu người dân Việt Nam đã bị rải trực tiếp chất độc da cam/dioxin.
Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, có hiệu quả trong việc khắc phục, xử lý hậu quả tồn lưu của bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân và xử lý ô nhiễm môi trường. Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Trung tâm hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) thực hiện rà phá bom mìn được 1.100 ha đất tại Hà Tĩnh và 32.200 ha tại Quảng Trị. Năm 2018 sẽ triển khai tại Quảng Bình và Bình Định bằng vốn viện trợ của chính phủ Hàn Quốc. Dự kiến, hơn 100 năm nữa, Việt Nam mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn phục vụ nhu cầu phát triển KTXH, mang lại bình yên cho cuộc sống.
Chính phủ Việt Nam cũng đã kịp thời đưa nội dung khắc phục hậu quả hóa học/dioxin vào các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030…
Các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tiến hành các cuộc điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi, khối lượng ô nhiễm và khắc phục ô nhiễm. Ba điểm nóng về ô nhiễm dioxin được xác định là các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát, trong đó sân bay Biên Hòa là khu vực ô nhiễm lớn nhất, đã được tiến hành cô lập an toàn khoảng 150.000 m3 đất nhiễm dioxin.
Các bộ, ngành liên quan đã thực hiện nhiều công tác hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ thông qua các hoạt động như: trợ cấp ưu đãi; tổ chức khám, giám định bệnh, dị dạng, dị tật, chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng quà, học bổng cho nạn nhân…
Trung tướng GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, trong thời gian qua, Học viện Quân y đã hợp tác với một số nước, tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của chất da cam/dioxin đến sức khỏe con người, cũng như hỗ trợ y tế đối với nạn nhân chất da cam/dioxin. Từ năm 1996 đến năm 1999, Học viện Quân y đã tiến hành nghiên cứu về dị tật bẩm sinh tại các địa bàn dân cư xung quanh các điểm nóng dioxin tại Biên Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng. Năm 2005, Học viện Quân y đã khảo sát 28.817 gia đình cựu chiến binh có tiền sử phơi nhiễm chất da cam. Bên cạnh đó, Học viện Quân y cũng đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phơi nhiễm dioxin lên nồng độ các hóc-môn trong cơ thể các đối tượng đang sinh sống gần sân bay Biên Hòa thấy phơi nhiễm dioxin có xu hướng làm giảm testosteron và tăng nồng độ prolactin ở nam giới.
Ngoài ra, Học viện Quân y cũng tiếp nhận công nghệ tẩy độc không đặc hiệu cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin bằng phương pháp hubbard từ Hoa Kỳ…
Thực tế hiện đang đặt ra yêu cầu hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thực cũng như huy động nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật trong công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn và chất độc da cam/dioxin.
Thanh Thủy