Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 09:33 GMT+7

“Hành động, bứt phá, hiệu quả”

Biên phòng - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh phương châm trên, để về đích vượt so với kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời đề ra 3 mục tiêu quan trọng năm 2020: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12%; xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu 2% GDP; tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt trên 12%.

ttxvn-cn5
Ảnh minh họa.

Những kỳ vọng đặt ra đối với ngành công thương đặc biệt quan trọng bởi ngành này đóng góp đến 80% GDP cả nước. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 trên 7% vẫn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo (trên 10,5%), thương mại (11,9%)... Tổng quy mô ngoại thương của nền kinh tế Việt Nam đã lên đến 517 tỷ USD, xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới với 264 tỷ USD, đặc biệt cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục xấp xỉ 10 tỷ USD, một con số mà chúng ta không thể hình dung nổi.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2019. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 6,8%; Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định ở mức 6,6%.

Điều đáng nói, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng, khi kinh tế khu vực châu Á chỉ đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2020, nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Những thông số trên thực sự là tín hiệu lạc quan cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng "giải tỏa" những điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Thể hiện ở việc tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ, trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao.

Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới...

Đặc biệt, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Trong bối cảnh, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ, trong khi sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng với tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới...

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 tăng từ 6,8% trở lên, trọng trách đặt ra cho ngành công thương rất lớn, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. 

Đúng như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành công thương phải đi đầu trong cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO