Biên phòng - Bất chấp các biện pháp ngăn chặn và trấn áp, dòng người di cư từ các nước Xy-ri, Áp-ga-ni-xtan, Ê-ri-tơ-ri-a và Ni-gê-ri-a đổ vào các cửa ngõ châu Âu vẫn không ngừng gia tăng. Chỉ trong hai ngày cuối tuần, lực lượng phòng vệ biển I-ta-li-a đã cứu được 4.700 người, đang bất chấp nguy hiểm, vượt biển Địa Trung Hải tới “lục địa già” với hy vọng đổi đời.
![]() |
Người tị nạn Xy-ri tại một bến xe buýt sau khi đã tới cảng Pi-ra-ớt gần thủ đô A-ten, Hy-Lạp ngày 24-8. Ảnh: Reuters |
Trong khi tại khu vực biên giới Hy Lạp - Ma-xê-đô-ni-a, gần 2.000 người di cư tìm cách vượt qua cửa khẩu này, một phần trong hành trình đến các nước Tây Âu.
Theo các nguồn tin nước ngoài, lực lượng tuần duyên I-ta-li-a, cùng với sự trợ giúp của tàu chiến Na Uy, Anh và Ai-len đã triển khai chiến dịch cứu hộ lớn trong 24 giờ ngoài khơi Li-bi, nhằm cứu 300 người di cư trên chiếc tàu gặp nạn ngoài khơi và 4.400 người khác đang lênh đênh trên biển để đưa về cảng của I-ta-li-a.
Trong khi đó, tại biên giới Hy Lạp - Ma-xê-đô-ni-a, hơn 1.500 người, phần đông là Xy-ri đã vượt qua biên giới với hy vọng có thể vào được Tây Âu. Cảnh sát Ma-xê-đô-ni-a tỏ ra bất lực trước làn sóng người di cư tràn qua biên giới bất chấp việc chính phủ nước này ban hành tình trạng khẩn cấp và cho triển khai quân đội ngay tại khu vực biên giới.
Giới chức A-ten cho biết những người tị nạn, không có phương cách tự vệ nào khác, đành phải biến trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thành lá chắn và sau 3 ngày căng thẳng, đối đầu và áp lực, khoảng 1.500 người đã vào được lãnh thổ Ma-xê-đô-ni-a sau khi đi xuyên qua Hy Lạp.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố thống kê cho biết chỉ riêng trong đếm 22-8 đến rạng sáng 23-8, hơn 7.000 người trong đó có cả trẻ em đã đổ về biên giới phía Nam Xéc-bi-a từ lãnh thổ Ma-xê-đô-ni-a.
Trước đó, Ma-xê-đô-ni-a đã phải đóng cửa biên giới với Hy Lạp trong 3 ngày từ 20-8 đến 22-8, nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt kéo vào quốc gia này.
Tại biên giới Xê-bi-a, UNHCR cũng đã làm việc với cơ quan chức năng địa phương nhằm thu xếp thực phẩm và chỗ trú cho người di cư. UNHCR đã bố trí 8 lều lớn cho người tị nạn tạm trú và điều nhiều xe buýt để đưa người tị nạn tới điểm dừng chân tiếp theo là Hung-ga-ri.
Ngày 24-8, Hy Lạp cho biết, cơ sở hạ tầng của nước này không đủ để đối phó với làn sóng người nhập cư. Đây được coi là một trong những khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.