Biên phòng - Qua 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách, đến nay, từ nguồn vốn vay của chương trình đã góp phần giúp hơn 160.000 hộ dân tỉnh Quảng Nam thoát nghèo.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội... chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên).
Nguốn vốn chính sách xã hội được giải ngân thực hiện thông qua nhiều chương trình khác nhau và đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Trong đó, Chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp hơn 270.000 lượt hộ vay vốn với số tiền hơn 3.700 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31/8/2022 là 623 tỷ đồng, chiếm 10,11% tổng dư nợ, với hơn 14,6 nghìn hộ đang còn dư nợ.
Chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg: Chương trình được thực hiện từ năm 2013, đã giúp hơn 54.000 lượt hộ vay vốn với số tiền 2.016 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31/8/2022 là 907 tỷ đồng, chiếm 14,72% tổng dư nợ, với hơn 20 nghìn hộ đang còn dư nợ. Qua 9 năm, từ vốn vay của chương trình đã góp phần giúp 35.845 hộ thoát cận nghèo.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐTTg được triển khai từ năm 2015, sau 7 năm thực hiện đã giúp cho hơn 61.000 lượt hộ vay vốn với số tiền 2.660 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31/8/2022 là 1.268 tỷ đồng, chiếm 20,58% tổng dư nợ, với gần 28 nghìn hộ đang còn dư nợ.
Chương trình cho vay dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg được triển khai từ năm 2007, qua 15 năm đã giúp hơn 114.000 lượt khách hàng vay vốn cho hơn 123.000 lượt học sinh, sinh viên với số tiền 1.723 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 31/8/2022 là 212 tỷ đồng, với gần 7 nghìn khách hàng và hơn 7,2 nghìn học sinh, sinh viên còn dư nợ, chiếm 3,44% tổng dư nợ.
Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội.
Thông qua chương trình đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có đủ chi phí để học tập, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề góp phần đồng bộ hóa các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 30,29% xuống 12,21%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 24,18% xuống 10,03%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 12,9% xuống còn 4,4% cuối năm 2021.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 4 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 118 xã, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngọc Lan