Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 11:09 GMT+7

Hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa sản xuất nông nghiệp

Biên phòng - Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra trầm trọng hơn so với cùng kỳ năm 2016 – năm diễn ra xâm nhập mặn kỷ lục, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và dân sinh. Trong khi đó, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất.

xnlk_5a
Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang cấp nước ngọt cho các hộ gia đình trên địa bàn sử dụng. Ảnh: Hồ Phúc

Xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn 

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm hơn so với năm 2015 - 2016, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Đáng chú ý, mùa mưa 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang ở mức rất thấp so với TBNN, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, dòng chảy trên sông Cửu Long về ĐBSCL trong tháng 3-2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và năm 2016 từ 5 đến 20%. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. 

Thực tế, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12-2019 và hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL. Xâm nhập mặn xuất hiện ở mức cao đột biến từ giữa tháng 12-2019, ranh mặn 4g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57km (sông Hàm Luông), cao hơn TBNN 24km. Trong tháng 1 và tháng 2-2020, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp. Có thời điểm, ranh mặn 4g/lít tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6 km; vùng cửa sông Cửu Long từ 66-75km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-10km. Trong tháng 3, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt với mức cao nhất và vào sâu nội đồng. Đến nay, 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn.

Hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại

Tại tỉnh Bạc Liêu, khô hạn diễn ra gay gắt, nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa của tỉnh đã bị khô cạn, gây khó khăn cho việc sản xuất vụ lúa Hè Thu. Tình trạng khô cạn còn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Khô hạn cũng khiến nhiều diện tích rừng ở địa phương này được xếp vào diện cảnh báo cháy rừng cấp 5, đặc biệt là ở các huyện Phước Long, Giá Rai, Đông Hải, Vĩnh Lợi, Hồng Dân. Dự báo, nếu tình hình nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm 2020 diễn ra bất lợi như năm 2015-2016 thì khoảng 5.400ha lúa và khoảng 9.000ha nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu sẽ bị ảnh hưởng. 

Đến đầu tháng 3-2020, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau khô cạn gần như hoàn toàn, làm thiệt hại hơn 18.000ha lúa, hoa màu. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 20.000 hộ dân đang thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản. 42.000ha rừng U Minh Hạ cũng bị khô cạn hoàn toàn, trong đó, có 12.000ha rừng đang dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm. 

sjh2_5b
Nhiều diện tích lúa ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Hồ Phúc

Trong khi đó, xâm nhập mặn đã bao phủ diện tích cả tỉnh Bến Tre. Trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh. Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng được dự báo diễn ra gay gắt như năm 2016. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài và mực nước trên các tuyến sông Cái Côn, Lái Hiếu, Cái Lớn, Xáng Xà No... tiếp tục xuống thấp, mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng tỉnh Hậu Giang với độ mặn tăng cao. Còn tại Tiền Giang,  36.000ha cây ăn quả ở phía Nam Quốc lộ 1 chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn, đặc biệt là 12.000ha chuyên canh sầu riêng.

Tây Nguyên và Nam Trung bộ thiếu nước tưới

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã suy giảm đáng kể do lượng mưa thấp hơn TBNN. Do đó, trữ lượng nước ở các hồ chứa thủy lợi hiện rất thấp. Thời điểm cuối tháng 2-2020, lượng nước tại các hồ chứa ở khu vực Nam Trung bộ chỉ đạt từ 31-87% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 tới 22%, tại Tây Nguyên, chỉ đạt từ 59-73%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 6%. 

Hạn mặn tại ĐBSCL đã làm thiệt hại gần 29.700ha vụ lúa tính đến ngày 10-2. Dự báo, khoảng 332.000ha lúa Đông Xuân; 136.000 ha cây ăn quả  khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020. Hiện, có khoảng 95.600 hộ dân các tỉnh ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Đáng lo ngại là đến nay, đã có 7 hồ, đập tại các huyện Cư M’Gar, Buôn Đôn, Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bắt đầu kiệt nước. Trong khi đó, tại Gia Lai, sông Ba qua An Khê, nhiều đoạn đang sắp trơ đáy. Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông, nhiều hồ đã cạn kiệt nguồn nước, như hồ chứa Ea Dier, dung tích hiện tại đạt 4% (dưới mực nước chết); hồ Cư Pu 36%; Đắk Loou, Đội 3, Núi lửa 24%; Vạn Xuân 39%; hồ Đắk Mbai 16%; Đắk Ken 13%; Tăng Gia 15%.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tổng cộng khoảng 1.392ha sản xuất nông nghiệp (1.157ha lúa, 235ha cà phê) đang bị thiếu nước. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có khoảng 351ha lúa, Bình Thuận 500ha lúa. Khoảng 300ha lúa của tỉnh Khánh Hòa đang phải sử dụng các giải pháp bơm tát chống hạn. Trên lưu vực sông Sê San, khoảng 6ha lúa thuộc địa phận xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum bị thiếu nước, có nguy cơ bị hạn hán. Trên lưu vực sông Sêrêpôk, khoảng 235ha cà phê của người dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Cư Jut, Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. 

Xuân Hương

Bình luận

ZALO