Biên phòng - Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện các quy định cấm đánh bắt một số loại hải, đặc sản vào mùa sinh sản và cấm nghề giã cào bay (tàu có công suất trên 150 mã lực) hoạt động từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-7. Một số ngư dân ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong từng khiếu nại lên chính quyền xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí Cửa vì quy định này. Nhưng thực tế, việc bảo tồn sẽ giúp tái tạo nguồn lợi thủy sản. Phóng viên (PV) Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận.

PV: Bình Thuận là tỉnh đầu tiên tổ chức khảo sát trữ lượng thủy đặc, hải sản trên biển và bắt đầu thực hiện giới hạn đánh bắt để phát triển bền vững. Đề nghị ông chia sẻ vấn đề này?
Ông Huỳnh Quang Huy: Bình Thuận là một trong những ngư trường lớn thứ 2 trong cả nước, có chiều dài bờ biển 192km. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng biển này những loại thủy, đặc sản như: Sò lông, dòm nâu, điệp, bàn mai, nghêu lụa... Qua khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi tổ chức cấp giấy phép nghề lặn sò, hằng năm ra thông báo cấm đánh bắt các loại thủy, đặc sản này từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-7. Bên cạnh đó, địa phương phục hồi và tái tạo nguồn lợi. Năm 2014-2015, chúng tôi thả xuống biển hơn 21 triệu con điệp giống, hơn 112 tấn sò lông, xây dựng khu bảo tồn rùa tại Hòn Cau, xây dựng các mô hình cộng đồng bảo vệ sò.
PV: Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên vịnh Bắc bộ đang cạn kiệt vì giã cào bay, đẩy đội tàu giã của tỉnh Quảng Ngãi rơi vào cảnh khốn đốn. Bình Thuận nhận thức và hành động về điều này như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Huy: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, giã cào bay đã hoành hành ở tỉnh Kiên Giang. Sau 5 năm thì ở vùng biển này không kiếm nổi con cá bằng đầu ngón tay, vì giã cào bay đã hủy diệt khủng khiếp. Tới năm 2015, tỉnh Bình Thuận xét thấy rõ sự nguy hiểm đã đề nghị Trung ương cấm nghề giã cào bay. Nhưng, chờ mãi không thấy cấm, nên tỉnh đã ban hành Quyết định 61, tổ chức cấm luôn. Mỗi năm cấm 4 tháng. Khó khăn của chúng tôi là cấm được tàu ở địa phương thì tàu giã cào bay ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kéo ra, dân bức xúc lại kéo tới UBND xã. Vì vậy, mỗi khi phát hiện tàu giã cào ở tỉnh khác thì chúng tôi phải quyết tâm truy đến cùng, đuổi các tàu giã cào vào tận Bà Rịa-Vũng Tàu và liên hệ với tỉnh bạn để xử lý.
PV: Lực lượng thanh tra thủy sản của Bình Thuận được trang bị tàu thô sơ, vậy, quá trình ngăn chặn các tàu làm nghề giã cào bay gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Huy: Mỗi khi ra biển chặn bắt tàu giã cào bay đánh bắt vào mùa cấm, nếu gặp tàu địa phương và anh em huýt còi thì họ la, phản đối, nhưng mà chấp nhận dừng. Riêng tàu ở các địa phương khác thì chống trả, không dừng, bỏ chạy, có khi còn ôm người của thanh tra quăng xuống nước. Ngày 23-9-2016, hai tàu cá BV 90314 TS và BV 90315 TS, do ông Trần Hữu Đầu ở Bà Rịa-Vũng Tàu làm Thuyền trưởng đã cào cá trái phép. Khi anh em lên tàu kiểm tra thì ngư dân đẩy anh Lê Bá Quốc Hùng xuống biển; 2 đồng chí khác bị đạp xuống thúng.
Về phương tiện, hiện nay, chúng tôi chỉ có 2 tàu tuần tra, công suất mỗi tàu 660 mã lực, tốc độ 7 hải lý/giờ. Anh em đi biển vất vả, sóng to gió lớn, mỗi ngày được hưởng 150 ngàn đồng/người, ăn hết 100 ngàn. Mới đây, Quốc hội ban hành Luật Thủy sản, theo đó, địa phương được thành lập lực lượng Kiểm ngư, chúng tôi hy vọng khó khăn sẽ được tháo gỡ bớt, nhất là biên chế.

PV: Nếu mỗi năm cấm biển 4 tháng thì số ngư dân làm nghề giã cào bay sẽ sinh sống bằng nghề gì, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Huy: Vào mùa cấm thì ngư dân có thể đánh bằng nghề giã cào đáy ở ngoài khơi. Tàu nào lén vô gần đánh giã cào bay sẽ bị xử lí. Mỗi cặp tàu làm nghề giã cào bay vào mùa cấm, chúng tôi xử phạt hành chính 150 triệu đồng. Hiện nay, theo Luật Thủy sản mới ban hành thì mức phạt lên đến hơn 1 tỷ đồng. Như thế sẽ làm chùn tay ai có ý định vi phạm.
PV: Một số ngư dân làm nghề giã cào bay xin giảm bớt thời gian cấm biển. Chi cục giải thích cho ngư dân như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Quang Huy: Thỉnh thoảng, cũng có ngư dân lên trụ sở UBND xã đề đạt ý kiến. Chúng tôi giải thích cho họ là việc cấm đánh bắt 4 tháng là vì lo cho cuộc sống của số đông bà con, nhất là ngư dân nghèo làm nghề lưới. Thực tế là tỉnh Bình Thuận đã lập ra một khu bảo tồn biển cách đây 3 năm và chứng minh được hiệu quả của bảo tồn. Ban đầu, khảo sát 100m2 đáy biển chỉ có 0,03 cá thể, giống như sa mạc. Sau 3 năm bảo tồn thì rong mọc, cá về, nhuyễn thể phát triển, khảo sát 100m2 có 480 cá thể, ngư dân đánh một mẻ lưới được 4 tấn cá, đánh 3 ngày chưa hết đàn cá.
Thời gian cấm đánh bắt một số loài hải sản là dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học. Thời gian đó là mùa các loại hải sản vào bờ sinh sản, ngưng đánh bắt một số loài hải sản sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi cho chính bà con. Hiện nay, địa phương tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề thân thiện với môi trường. UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định 61, cấm đóng mới tàu làm nghề giã cào, không cho phép chuyển đổi tàu lưới sang làm giã cào - Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết.
Hà Anh