Biên phòng - Để làm nên những đòn tấn công vang dội của lực lượng biệt động Sài Gòn vào sào huyệt địch trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, hàng ngàn tấn vũ khí đã được bí mật vận chuyển từ vùng căn cứ vào nội thành Sài Gòn và được cất giấu trong những hầm bí mật ngay trong thành phố. Thậm chí, có một hầm vũ khí bí mật trong nhà dân chỉ cách Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, chưa đầy 1km.

Căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nằm trong một con hẻm nhỏ thông giữa hai con đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần. Từ ngôi nhà này ra đến Dinh Độc Lập chỉ chưa đầy 1km. Phía trước ngôi nhà 287/20 Nguyễn Đình Chiểu được gắn một tấm biển ghi: Di tích lịch sử cấp thành phố. Nơi đây vốn là một hầm vũ khí bí mật mà chủ nhân là ông Trần Văn Lai, một chiến sĩ biệt động thuộc đơn vị Bảo Đảm của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định đã gây dựng trong kháng chiến chống Mỹ.
Để đáp ứng sự lớn mạnh của lực lượng biệt động Sài Gòn, sẵn sàng cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định đã chỉ đạo đơn vị Bảo Đảm A 20 và A 30 chuyên trách việc xây hầm, tổ chức vận chuyển, cất giấu vũ khí, sẵn sàng cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Thực hiện nhiệm vụ đó, gia đình ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) và bà Đặng Thị Thiệp đã chọn mua ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi nhanh chóng lấy cớ sửa nhà, bí mật đào hầm chuẩn bị cho việc vận chuyển, cất giấu vũ khí. Ngôi nhà rộng 37m2, cho đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Ông Trần Kiến Xương, con trai của ông Trần Văn Lai cho biết, sau khi mua căn nhà này, gia đình ông không chuyển về đây sinh sống ngay. Mấy tháng liền mẹ con ông Xương di tản về Vũng Tàu, chờ sửa lại ngôi nhà số 287/70. Và sau ngày giải phóng, ông Xương mới biết có một hầm vũ khí bí mật ngay trong ngôi nhà mình.
“Hồi đó, cha tôi được biết đến là nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập, và cũng là nhân viên của cơ quan viện trợ kinh tế Mỹ - U Som, vì vậy nên có mật danh là ông Năm U Som. Nhờ đó mà việc mua lại căn nhà rồi tiến hành sửa chữa, thực chất là đào hầm bí mật cất giấu vũ khí mà không bị địch nhòm ngó. Hệ thống hầm bí mật đến nay vẫn giữ nguyên hiện trạng. Hầm được đào ngầm dưới lòng đất và có cả hầm nổi trên trần nhà. Nơi đây chứa trên 2 tấn rưỡi vũ khí cho đội biệt động để phục vụ cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh vào các cơ quan đầu não chính quyền ngụy Sài Gòn, đặc biệt là tấn công vào Dinh Độc Lập năm 1968”. Bà Đặng Thị Thiệp còn cho biết, kế hoạch tìm mua nhà thực ra được chuẩn bị rất kỹ từ nhiều năm trước. “Ông nhà tôi nhận lệnh tìm mua nhà đào hầm giấu vũ khí để tấn công vào thành phố. Chúng tôi chọn mua nhiều chỗ lắm, mà đặt cọc rồi bỏ, và cuối cùng chọn ở đây vì hồi đó vắng lắm chứ không đông như bây giờ. Ông nhà tôi mua luôn 3 căn, căn này nằm chính giữa để đào hầm, tránh ảnh hưởng đến hai nhà kế bên”.
Việc vận chuyển vũ khí từ điểm tập kết về hầm bí mật ngay trong lòng nội thành vô cùng gian nan, nguy hiểm. Nếu bị địch phát hiện, các chiến sĩ biệt động phải tự phá hủy cho nổ vũ khí, cũng có nghĩa sẽ hy sinh để giữ bí mật cho cả tuyến vận chuyển lẫn hầm giấu vũ khí. “Hồi đó phương tiện không sẵn như bây giờ, nhưng chúng tôi cũng có cách để vận chuyển vũ khí, đạn dược về đây một cách an toàn, bất chấp sự kiểm soát gắt gao của địch. Ví dụ như khi chuyển bằng ghe thì đóng ghe có hai đáy. Khi đi đường bộ mình đóng giả những người buôn gỗ. Mỗi cây cao su được cưa ngắn lại, đục bọng phía trong rồi bỏ đạn vô đó, chất lên đầy một xe gỗ ngụy trang”.
Đại tá Đặng Xuân Tẻo, nguyên Chính trị viên Đội 4, Biệt động Sài Gòn – Gia Định cho biết, chỉ với những cách vận chuyển táo bạo như vậy mà hàng tấn vũ khí vượt qua sự kiểm soát của kẻ thù một cách an toàn, phục vụ cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 một cách âm thầm và bền bỉ. Tính đến thời điểm Xuân Mậu Thân 1968, căn hầm dưới ngôi nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 đã chứa trên 2 tấn vũ khí các loại như: Thuốc nổ, súng AK, súng các-bin, súng ngắn, B40, hàng nghìn lựu đạn, viên đạn, ... Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đó là một kỳ tích thể hiện ý chí quyết tâm, sự mưu trí và lòng dũng cảm của các chiến sĩ biệt động. Và trên hết, đó là sự hy sinh, là tấm lòng và niềm tin đối với cách mạng của gia đình người chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai.
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đến hôm nay vẫn không khỏi trầm trồ thán phục tinh thần sáng tạo, anh dũng của lực lượng Biệt động, trong đó có gia đình ông Năm Lai. “Không có văn chương nào tả được tinh thần của những người ở hầm vũ khí trong nội thành, nằm trên một trái bom nổ chậm đó thì bất cứ lúc nào cũng có thể hi sinh cả gia đình. Một cái công trình của toàn bộ gia đình, không chỉ có ông Năm Lai mà cả vợ và các con ông nếu có điều gì sơ suất đều hy sinh, mà họ sẵn sàng hy sinh, vì cách mạng”.

Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, việc xây hầm cất giấu vũ khí, đạn dược đã được thực hiện chặt chẽ, an toàn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đội Biệt động Sài Gòn và các Tiểu đoàn chủ lực đã bất ngờ tập kích chiếm giữ các mục tiêu, trong đó, 15 chiến sĩ Đội 5 đã nhận vũ khí từ căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, rồi anh dũng tiến về Dinh Độc Lập thực hiện trận đánh táo bạo, uy hiếp cơ quan đầu não và các công sở trọng yếu của chính quyền ngụy Sài Gòn.
Ông Trần Kiến Xương, con trai ông Trần Văn Lai, nay là người tiếp quản di sản người cha để lại. Với ông, đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao để tiếp nối truyền thống của gia đình cách mạng. Cùng với căn hầm này, những căn hầm vũ khí bí mật khác của lực lượng biệt động Sài Gòn trong nội đô đã tạo thành hệ thống “địa chỉ đỏ” đặc biệt hấp dẫn. Đằng sau những hiện vật là biết bao câu chuyện sinh động còn được lưu truyền cho thế hệ sau.
Năm 1988, hầm vũ khí của Biệt động Sài Gòn tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngay sau đó, gia đình ông Trần Văn Lai chuyển đến sinh sống ở địa chỉ khác, nhằm phục vụ cho công tác gìn giữ ngôi nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu như giá trị di tích lịch sử mà nó để lại. Đến năm 2015, ông Trần Văn Lai được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Băng Tâm