Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Hài hòa giữa thu hút đầu tư, du lịch và bảo đảm quốc phòng - an ninh

Biên phòng - Trong tuần qua, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Đồng thời, QH thảo luận các dự án luật: Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…

q4mg_3a
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, cần bảo đảm chặt chẽ các điều kiện miễn thị thực cho người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển. Ảnh: Đức Nghĩa

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cơ bản các đại biểu bày tỏ tán thành về đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần phải nghiên cứu kỹ, rà soát, sửa đổi toàn diện dự án luật, trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm tính phù hợp, khả thi, tạo điều kiện cho hội nhập, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nhưng phải chặt chẽ và không để ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia. 

Đáng chú ý, quy định đơn phương cấp thị thực có điều kiện đối với công dân một số nước; miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam (quy định trên nhằm tiếp tục thực hiện việc miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, Kiên Giang theo Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng), quy định này cần bảo đảm chặt chẽ, các điều kiện phải quy định cụ thể trong luật và điều chỉnh thời hạn thị thực hợp lý hơn, nhằm phát huy khả năng thu hút đầu tư, du lịch nhưng tránh lợi dụng chính sách, làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. “Trong bối cảnh vùng biển nước ta đang diễn biến phức tạp thì quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ cao hơn về việc người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch, thực hiện các hành vi phạm pháp ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam cần đi liền với tăng cường quản lý, không để ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh” - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư hay người lao động khi vào khu kinh tế ven biển. Hiện nay, theo Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương hay có thể xin thị thực bằng “con đường” điện tử hoặc ngay tại sân bay... “Không thể miễn thị thực đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển. Càng quy định dễ dãi, trách nhiệm bảo vệ an toàn càng nặng nề hơn, gây quá tải đối với lực lượng chức năng” -  Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay.

Một số đại biểu cho rằng, nước ta hiện có nhiều khu kinh tế ven biển, nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Những năm qua, Nhà nước có chính sách mở cửa thông thoáng, thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhưng mặt trái của nó là tình trạng vi phạm pháp luật của người nước ngoài cũng ngày càng tăng lên.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội), báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8 cho thấy, xuất hiện tình trạng người nước ngoài sang Việt Nam với vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư, khách du lịch thuê nhà trọ, khách sạn, tổ chức điều hành đường dây đánh bạc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, gây tốn kém nguồn lực để xử lý... Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban đối ngoại của QH, do chưa có sự kết nối trong quản lý người nước ngoài giữa Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và BĐBP tại Phú Quốc, nên tình trạng người nước ngoài chỉ được miễn thị thực vào Phú Quốc, nhưng lại đến các địa phương khác bằng đường tàu biển, gây khó khăn cho công tác quản lý. 

“QH sớm xem xét, giám sát các quy định của pháp luật hiện hành và tiếp tục rà soát các điều kiện trong dự thảo luật, hài hòa được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phòng, chống vi phạm pháp luật, phạm tội của người nước ngoài ở Việt Nam” - Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị. 

Làm rõ một số vấn đề đại biểu băn khoăn, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành sẽ tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013, luật hóa các chính sách, giúp các cơ quan, doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc đón tiếp, làm việc với người nước ngoài đến Việt Nam. Qua đó, tạo điều kiện cho người nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh, du lịch tại Việt Nam, đồng thời, tăng cường quản lý người nước ngoài đến Việt Nam theo hướng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Danh Anh

Bình luận

ZALO