Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 07:51 GMT+7

Hai cậu bé "thép" ở đất thép Quảng Nam

Biên phòng - Cậu bé Nguyễn Thế Hùng trở thành giao liên cho cách mạng từ năm 14 tuổi. Hùng thường giấu thư vào người rồi chạy thật nhanh qua cánh đồng, giao tận tay cho người nhận. Còn cậu bé Võ Văn Diệu được cách mạng giao làm liên lạc, đậy hầm bí mật. Khi bị địch bắt và tra tấn, cậu một mực lắc đầu "tui đâu biết Cộng sản là cái chi".

glzw_7a-1.JPG
Ông Nguyễn Thế Hùng một thời là "Kim Đồng" ở đất thép Quảng Nam.
 
Theo cha học làm cách mạng

Bình Dương là một địa phương ven biển thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vùng quê nghèo với những đồi cát hiền hòa dọc ven biển nhưng lại trở thành cơn ác mộng đối với những toán lính ngụy. Từ nhà Hùng ra tới mép biển khoảng 1km, người dân địa phương đã xây dựng rất nhiều hệ thống hầm hào, gài chông mìn, dựng phên giậu để chiến đấu với mục đích làm giảm tốc độ hành quân đổ bộ của lính Mỹ từ ngoài biển vào. 

Cách mạng là gì? Cậu bé Hùng biết rõ, đó là những người cầm súng "đằng mình". Hồi trước, cha Hùng là ông Nguyễn Phú đi họp thường dẫn theo con trai. Hai cha con mò đường đi giữa ánh pháo sáng từ căn cứ bắn lên bầu trời. Đến một đồi dương vắng rợn người, ông Phú cho cậu con trai ngồi nghịch cát, còn mình thì chui vào miếu ông Đối ngồi họp bàn công việc. Bà Lê Thị Ta, mẹ Hùng thì suốt ngày bận rộn với phong trào nuôi quân, tiếp tế cho cách mạng, lo hầm bí mật. Từ đó, Hùng đã hiểu cách mạng là phải tuyệt đối bí mật, nửa lời cũng không khai, "đi không dấu, nấu không khói".

Tại vùng đất Quảng Nam, chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt, xóm làng không bao giờ ngơi tiếng súng nổ. Địch đánh vào làng từ hướng biển, đổ bộ bằng trực thăng và bao vây thế gọng kìm từ trên quốc lộ. Để bảo vệ xóm làng, 7 anh chị của cậu bé Hùng đều lần lượt cầm súng đi chiến đấu. Năm 1964, Hùng được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong của thôn 5 Bình Dương. Chỉ có 10 người, nhưng khí thế hoạt động rất sôi nổi, công việc được các chú giao đều hoàn thành tốt.

Năm 1968, Hùng 14 tuổi, da đen nhẻm, chạy nhanh như sóc. Cậu được các chú giao nhiệm vụ làm giao liên. Cậu hứa với các chú rằng: "Bây chừ cháu đã biết cách giữ bí mật rồi". Hàng ngày, cứ nhận thư, Hùng lại giấu vào trong quần, áo, kẹp vào người rồi chạy từ xóm này sang xóm khác để báo tin cho các tổ du kích.

Năm 16 tuổi, Hùng được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng du kích. Trong một trận đánh, Hùng bị lính Nam Triều Tiên vây bắt. Ngồi trong nhà lao Đà Nẵng, anh nhớ đến lời hứa trả thù cho 4 anh chị đã hy sinh là Nguyễn Hữu Liêm, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Máy, Nguyễn Thị Gọ.

Đang nằm gác tay lên trán thì một tên quân cảnh vào kéo Hùng đi thẩm vấn. Màn đầu tiên được thực hiện khá lịch sự. 2 tên trung úy cúi đầu chào và hỏi giọng thương xót: "Em còn nhỏ sao nghe lời Cộng sản, nếu theo quốc gia thì nay mai sum họp gia đình". Hùng trả lời: "Không ai dụ dỗ tôi cả, tôi theo cách mạng để giải phóng quê hương".

Tiếp đến là 2 ả đàn bà son phấn lòe loẹt, mặc váy ngắn bước vào, ghé sát tai nói như rót mật:"Anh đẹp trai lắm. Về đi, đừng theo Cộng sản nữa". Bọn lính chơi đòn tâm lý, tiếp tục cho anh trai của Hùng là Nguyễn Đức Thịnh vào thăm hòng lung lạc ý chí của em trai. Anh Thịnh vừa thấy em đã òa khóc: "Anh cứ tưởng em chết ngoài ni rồi!". Hùng khuyên anh đừng khóc và bảo: "Em sẵn sàng ngồi tù, anh ở nhà chăm sóc cha mẹ, khi nào thống nhất nước nhà thì em về".

Vừa nghe Hùng nói câu "sẵn sàng ở tù", 2 tên lính nhảy vô đánh phủ đầu và chửi: "Thằng nhỏ này gan quá! Nó nói giọng Cộng sản". Hùng bị đánh tả tơi, túm bánh gạo lứt người anh mang vào thăm em đổ vung vãi trên mặt đất lẫn với máu. Hùng bị bọn lính lôi vào phòng thẩm vấn để 4 tên lính tiếp tục tra tấn, nhưng anh không khai nửa lời nên bị đưa ra nhà tù Phú Quốc.

Anh Nguyễn Thế Hùng được trao trả tù binh vào năm 1973 cùng 500 đồng chí đều ở Quảng Nam. Khi về tỉnh, 12 người được xét chọn chuyển qua lực lượng An ninh nhân dân vũ trang, trong đó, anh Hùng được biên chế về đơn vị mang phiên hiệu B8. Nhiệm vụ của anh là bảo vệ trại giam T54 của Quảng Nam với hơn 400 tù binh. Năm 1975, anh Hùng được điều động về tỉnh tham gia chiến dịch giải phóng. Sau ngày giải phóng, anh được cấp trên cho đi học nghiệp vụ 6 tháng, sau đó về làm Đội trưởng Đội trinh sát, Đồn Công an nhân dân vũ trang 45 ở Tam Thanh, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

8vlm_7b-1.jpg
Nhân dân tỉnh Quảng Nam rào làng chiến đấu. Ảnh: Tư liệu
 
Chú bé đậy hầm

Từ năm 1965, địch đàn áp thẳng tay đối với phong trào cách mạng ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nhưng chúng không ngờ, lực lượng của ta vẫn trụ bám ngay dưới lòng đất, ban ngày biến mất, ban đêm chui lên hoạt động. Làng chài Tam Hải nằm cạnh dòng sông, quanh làng có những lũy tre dày đặc.

Thời đó, để làm hầm bí mật an toàn, cán bộ cách mạng thường đào ngay dưới gốc tre hoặc dưới gốc cây sơn um tùm. Nhựa cây sơn ngứa phỏng da nên địch không nghi ngờ gì. Còn hầm bí mật dưới bụi tre thì rất dễ ngụy trang bằng lá khô.

Khi màn đêm buông xuống, cậu bé Võ Văn Diệu lại ra bụi tre quan sát. Không thấy địch phục kích thì cậu gạt lớp lá khô, bới một lớp đất rồi nhấc miếng gỗ vuông đậy nắp hầm, khẽ gọi các chú lên. Đến khi trời gần sáng, cậu bé 13 tuổi lại cảnh giới và đậy nắp hầm. Bàn tay nhỏ nhắn của cậu khỏa một lớp đất, phủ lá tre và xóa dấu vết. Nhiệm vụ giở nắp hầm bí mật được cấp trên giao cho cậu bé, vì cha và anh trai của cậu Diệu đều tham gia cách mạng.

Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Cậu Diệu bị bắt cùng với 3 cơ sở. Tại nhà lao Đà Nẵng, cậu bé nghĩ: "Nếu lộ hầm bí mật dưới bụi tre và chỗ mấy gốc sơn thì địch sẽ đào lên và bắn chết hết các chú nên thà chết cũng không bao giờ khai".

Hàng ngày bị địch tra tấn đủ kiểu, mỗi lần bị châm điện, cậu lại lắc đầu bảo: "Tui đâu biết Cộng sản là cái chi. Cha tui theo Cộng sản trên núi, tui đâu có gặp. Có chết, tui cũng không biết gì". Tra tấn chán chê, mấy tên lính quay sang nói với nhau: "Chắc thằng nhỏ này không biết cái chi thiệt rồi. Thôi, đưa nó vô lao Chí Hòa"…

… Sau giải phóng, anh Võ Văn Diệu (SN 1954) biên chế sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang, làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Hiện nay ông Diệu đã về hưu và làm Trưởng ban liên lạc của BĐBP Quảng Nam.
Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO