Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 05:39 GMT+7

Hai bờ nắng trải Tam Giang

Biên phòng - Băng qua vô số những cây cầu vồng cao ngang các nhánh sông nối liền con lộ nhỏ xíu về phía cửa biển Bồ Đề, cuối dòng Tam Giang nắng trải, chúng tôi mới tới được ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Lúc nhìn thấy người phụ nữ còng lưng đang chiên bánh chuối bên hiên căn nhà lá lụp xụp cặp bờ kênh xáng cũ, lòng ai nấy chùng lại. Miền quê nghèo Cà Mau mặn chát đất biển này còn lại nhiều phận người gian khó đến thế. 

Trung tá Chung Duy Đèo thăm căn chòi lá kiêm tiệm bánh chuối của bà Lê Thị Xuân. Ảnh: TTH

Vị ngọt trái chuối đầu mùa

Bà Lê Thanh Xuân năm nay 62 tuổi. Người đàn bà đơn thân có căn chòi lá xiêu vẹo, thấp tè tưởng như có thể sụp xuống bất cứ lúc nào. Miếng đất cất cái chòi là của cô em gái bà cho mượn, bà có một người em năm nay đã 50 tuổi cũng nghèo quá không lập gia đình được, đi làm mướn tha phương thi thoảng ghé lại vài ngày rồi đi. Lối xóm chỉ thấy bà Xuân đơn bóng còng lưng dần vì đường mưu sinh ngày càng bó hẹp do tuổi cao, sức yếu, chẳng ai thuê mướn nữa. Sau khi cánh tay trái bị gãy vì ngã khi đi làm về ban đêm, bà phải xoay qua chiên bánh chuối bán rong.

Chưa hết, phận người đã long đong thì xui xẻo tới cùng, bà phải lội bộ qua biết bao nhiêu cái nắng Tam Giang, vào tận mấy vuông tôm bán rong bánh chuối. Có người không biết tới hoàn cảnh của bà quỵt tiền cụt vào vốn liếng. Bà một mình hằng ngày chiên bánh rồi đi bộ rã cẳng, đầu gối càng run mà lưng càng còng. Nhiều lúc nghĩ lại cuộc sống ròng rã làm thuê, làm mướn trong gia đình mười mấy anh chị em, rồi bão giật sập nhà, ruột thịt ly tán, bà Xuân muốn buông xuôi cho rồi. Cuốn lấy nhau về bên sông Tam Giang cách đây chục năm, bà chỉ có 10 ngàn đồng trong túi cho tới tận bây giờ nợ đầm đìa mấy chục triệu đồng không trả nổi.

Anh Bảy Đèo (tên bà con các khóm ấp thường gọi Trung tá Chung Duy Đèo), cán bộ Đồn Biên phòng Tam Giang Tây, BĐBP Cà Mau, tăng cường xã Tam Giang Tây thấy hoàn cảnh bà Xuân tội nghiệp quá mới báo cáo chỉ huy đơn vị. Không ngờ, nỗi gian khó của bà Xuân được Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây đặc biệt chú ý. Anh họp đơn vị, bàn kế giúp bà Xuân, suy nghĩ mãi giúp cách nào vừa hiệu quả, vừa khích lệ, thêm sức mạnh cho bà gắng gỏi tần tảo. Làm sao để người đàn bà tuổi xế chiều vực dậy ý chí để tiếp tục gánh vác cuộc đời đặc biệt khó khăn đó.

Ngay chiều hôm đó, Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng cùng với Trung tá Chung Duy Đèo chặt mấy buồng chuối ở vườn sau doanh trại mang xuống chỗ bà Xuân. Không gì bằng những lời động viên, mở lời để bà cảm thấy có điểm tựa. Bước đầu là mang chuối vườn mà bộ đội trồng được đi giúp bà con. Khi chúng tôi đến thì mấy buồng chuối treo giữa nhà vẫn đang chín dần. Chuối chín tới đâu bà Xuân cắt mang chiên tới đó. Khác cái là mọi ngày phải vay mượn mới có tiền mua chuối, lời lãi đồng nào đắp đổi cơm cháo qua ngày. Nay có chuối của bộ đội mang tới, mỗi ngày, bà Xuân cũng bán được dăm chục cái bánh chuối chiên, khỏi lo trả nợ vốn.

Tam Giang Tây nằm ngay cửa Bồ Đề, nơi sông Tam Giang đổ ra biển. Tháng 10 âm lịch hằng năm, mỗi mùa gió chướng tới là mùa triều cường căng thẳng nhất. Cũng vì vậy, nơi này vắng bóng cây ăn trái vì đất nhiễm mặn, nhiều cây chết sạch chỉ sau một đợt triều cường. Bà con có khi không đói tôm, cua, cá, mà đói rau xanh, trái ngọt. Vì vậy, bánh chuối mới là thứ quà ưa chuộng.

Bà Xuân nói: “Tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mấy chú bộ đội mang chuối tới. Tôi chỉ muốn có gì đó tặng lại mấy chú mà chẳng có tài sản gì. Chỉ biết mấy chú kỳ vọng thì tôi phải cố gắng. Từ nhỏ tới giờ cực khổ, được bà con lối xóm cưu mang, giờ còn được bộ đội giúp sức, tôi nghẹn ngào không biết nói gì hơn...”.

Thấy BĐBP mang chuối tới cho bà Xuân, lối xóm cũng mang củi tới xếp đầu hồi cho bà. Ai nấy chỉ mong người đàn bà đơn độc cảm thấy ấm áp hơn mà thôi, chứ vẫn là sức vóc nhỏ yếu đó phải lụm lặt hằng ngày. Lúc cúi xuống qua chiếc hiên lụp xụp vào nhóm bếp lò chiên bánh, tôi thấy lưng bà Xuân đỡ còng hẳn, trên mặt bà còn nở nụ cười tỏa rạng hiếm hoi nữa.

Tình người tràn ngập từ những… đồng lẻ

Không chỉ có bà Xuân ở mé Tam Giang Tây, băng qua cửa Bồ Đề ngang dòng Tam Giang, chúng tôi đến bên kia sông, ấp Mai Vinh của xã Tam Giang Đông. 2 vợ chồng ông Trần Văn Kia - bà Ngô Thị Nương chạy khỏi căn nhà lá chực sụp xuống, phải ở đợ một mái lá khác kế bên sông. Cũng là di dời từ căn nhà mướn cũ sang căn nhà mướn khác, 2 ông bà ở nhờ của một chủ vuông tôm, trả bằng công trông coi vườn tược, vuông tôm nuôi cạnh đó.

Một lần nữa, chiếc hộp “tiết kiệm tiền lẻ, chia sẻ khó khăn” của Đồn Biên phòng Tam Giang Tây được mở ra kiểm đếm. Đây là mô hình an sinh xã hội mà đơn vị sáng tạo, gom góp cả năm trời tiền lẻ của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đặng giúp những thân phận còn nghèo là bà con trên địa bàn. Mỗi lần lãnh lương, chi tiền việc gì còn ít đồng lẻ ai cũng bỏ vào cái hộp có khóa đó. Mỗi lần phát hiện có hoàn cảnh nào cần giúp, các anh mở hộp mang tiền tới biếu họ. Chúng tôi may mắn được cùng các anh qua sông Tam Giang, tới thăm ông bà Kia - Nương nghèo khó.

Thiếu tá Nguyễn Đình Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Giang Tây đến thăm, trao tặng tiền từ hộp “tiết kiện tiền lẻ, chia sẻ khó khăn” của đơn vị cho ông Kia - bà Nương. Ảnh: TTH

Một điều dễ nhận thấy là người lao động nghèo ở đây ai cũng còng lưng như ông Kia vì cả đời làm lụng lao lực. Chính trị viên Nguyễn Đình Thắng cẩn thận cho số tiền lẻ vào phong bì, số vốn mà anh nói có thể đủ để mua 30 con giống vịt xiêm nuôi đẻ, gây dựng một gói kinh tế nhỏ cho hộ gia đình. Bà Nương nhận món tiền, giọng lạc đi: “Chiều nay tôi đi mua vịt con...”.

Xung quanh căn nhà trơ trọi ở mé sông mà vào tới phải lội bộ qua bờ thửa vuông tôm với cây cầu khỉ, toàn lau lách vắng lặng. Từng ngày, nắng trải trên đất mặn nhớp nháp tứ bề, chẳng trồng trọt hay làm gì hơn được. Nuôi vịt cũng phải bỏ công sức nhiều hơn mấy chỗ khác. Vậy nhưng, ông Kia - bà Nương vẫn lạc quan vì có sự tiếp sức của BĐBP. Ông Kia hứng khởi nói luôn vài dự định để nuôi vịt hiệu quả. Nếu mà thành công, có thêm đồng tiền thì con trai út của ông có thể đến trường tới hết trung học phổ thông, không phải bỏ ngang như cậu con lớn hiện đang đi làm thuê ở Long An.

Buổi trưa tới, nắng phơi dòng Tam Giang bỏng rát hai bên bờ khi chúng tôi rời đi. Ở vùng quê ấy, bộ đội và nhân dân vẫn hằng ngày đùm bọc nhau trong nỗi thương mến rất nhỏ bé mà ý nghĩa.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO