Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Hai anh em trên tuyến đầu chống dịch

Biên phòng - Ấn tượng của tôi khi gặp Thượng úy Danh Hải (Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang) là một thanh niên người Khmer mắt sáng, tóc quăn, khuôn mặt cương nghị, rất ra dáng “anh cả” của tổ công tác bảo vệ biên giới và phòng chống dịch. Tình cờ, qua câu chuyện ngắn ngủi với Thượng úy Hải, tôi mới biết, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, anh có một cậu em trai ruột hiện là học viên Học viện Biên phòng Danh Thành Tài mà tôi đã từng gặp tại chốt kiểm soát phòng chống dịch trên tuyến biên giới Đông Bắc, tỉnh Quảng Ninh.

Thượng úy Danh Hải giữa phiên gác trên chốt chống dịch. Ảnh: TTH

Vậy là, trong vòng một năm, trong 2 chuyến công tác, tôi đã gặp 2 anh em một nhà ở 2 đầu đất nước, 2 tuyến biên giới khác nhau, nhưng cùng chung một nhiệm vụ. Cùng là lính Biên phòng, họ có thêm tình cảm gia đình làm động lực để vượt qua gian khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn thế nữa, họ lại là những thanh niên người dân tộc thiểu số, nung nấu nguồn năng lượng trẻ, nhiệt huyết và khao khát cống hiến. Sức trẻ của họ không chỉ là nguyên khí của quốc gia, mà còn là niềm tự hào của gia đình, quê hương.

Thiếu tá Phạm Quang Khoa, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Mỹ đích thân đưa chúng tôi đi tắc ráng (ghe gắn máy) ra chốt chống dịch Vọng Chiêm. Anh nói, chốt Vọng Chiêm trọng yếu nhất trên đoạn biên giới đồn quản lý nên giao cho Thượng úy Danh Hải chỉ huy. Danh Hải xốc vác, có kinh nghiệm, luôn là cánh chim đầu đàn của phong trào thanh niên trong đơn vị.

Quả thật, chốt chống dịch của Danh Hải nằm chơi vơi giữa khu rừng cây ngập nước, xung quanh toàn dừa nước và bịt bùng cây dại với kênh rạch chằng chịt, nhưng rất tươm tất, quy củ, sạch sẽ. Từ con lộ giáp đường biên, muốn ra được chốt phải đi vài chặng, xuống tắc ráng chạy trên sông Giang Thành rồi mới ghé lên chốt được. Đi lại bất tiện nên sinh hoạt ngoài chốt hầu như cán bộ, chiến sĩ trẻ tự túc, chủ động. Thượng úy Danh Hải sắp xếp, điều hành việc thực hiện nhiệm vụ gác, tuần tra và bao quát địa bàn. Giữa những phiên gác, anh còn sắp xếp thời gian ôn luyện giáo trình nói và viết ngôn ngữ Khmer, phòng khi dùng đến trong các lớp dạy tiếng Khmer sau này anh sẽ phải đảm nhiệm.

Danh Hải và đồng đội chỉ luân phiên nhau cắt cử về đồn nhận nhiệm vụ mới và họp theo chỉ thị, còn lại, chủ yếu họ ở ngoài chốt, thay nhau tuần tra, kiểm soát cả một vùng rộng lớn. Chiếc lều nhỏ lợp lá dừa nước nằm ngay gần đường biên giới luôn vút cao cột cờ Tổ quốc. Chiều tà, dừng lại nơi này, nhìn ngắm dáng đứng các chiến sĩ áo xanh tạc vào ánh hoàng hôn, mới thấy các cán bộ BĐBP trẻ như Danh Hải và đồng đội của anh mới chính là những vòng tay vạm vỡ, trai tráng ôm lấy hình hài đất nước. Bên trong những vòng tay ấy là tình cảm, trách nhiệm, bên ngoài thì là hàng rào không kẻ xấu, dịch bệnh nào xâm nhập được.

Danh Hải chia sẻ rằng, đã gần nửa năm trời, anh không về nhà thăm bố mẹ. Cùng thời điểm Danh Hải trực chiến ngoài chốt thì ở miền Bắc, em trai anh - Thượng sĩ Danh Thành Tài bắt đầu kỳ thực tập đặc biệt lên chốt chống dịch tại Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020. Danh Hải thì chống chọi với cái nắng như nung ở Tây Nam mùa khô, còn Danh Thành Tài suốt đêm cùng đồng đội phải đốt lửa chống chọi với cái rét và sương muối ở miền Bắc.

Tại chốt Cẩm Hắc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, đêm đó, tôi cùng với cán bộ, chiến sĩ của chốt tuần tra phòng chống dịch, trong đó có học viên Danh Thành Tài. Cậu sinh viên trẻ người Khmer chia sẻ, khó khăn nhất là chịu rét, chịu ẩm ướt, nhớp nháp, cả ngày sương mù dày đặc, quần áo không khô, trong khi cậu là thanh niên Nam Bộ, sinh ra và lớn lên với nắng nóng quanh năm. Nhưng không gì bằng vừa lĩnh hội xong lý thuyết trong nhà trường, cậu lại được tham gia vào thực tiễn sinh động như cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Học viên Danh Thành Tài (bên trái) cùng tổ công tác tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch biên giới Hoành Mô, Quảng Ninh (ảnh chụp tháng 3-2020). Ảnh: TTH

Hải và Tài là 2 trong số 5 anh em trong một gia đình người Khmer ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Sinh ra trong gia đình nghèo, lam lũ và từng phải di chuyển đến lập nghiệp ở vùng kinh tế mới nên họ trưởng thành hơn bạn cùng trang lứa. Danh Hải nuôi dưỡng ý chí quyết tâm để thi và học tại Học viện Biên phòng. Chính anh đã định hướng cho em trai và dạy thêm kiến thức, kỹ năng để Danh Thành Tài tiếp tục thi đậu Học viện Biên phòng sau 3 khóa. Anh em họ Danh học giỏi, tâm tính điềm đạm, hiền lành có tiếng trong các khóa học.

Danh Hải chia sẻ: “Việc được cùng tham gia chống dịch vào thời điểm cam go nhất ở 2 đầu đất nước là nhiệm vụ, là thử thách nhưng cũng là cơ hội đóng góp sức mình của cả 2 anh em. Đây sẽ là niềm tự hào của gia đình, thôi thúc 2 anh em cùng thi đua lập thành tích trong công tác”.

Hiện nay, Danh Hải giữ vị trí Đội trưởng Trinh sát của Đồn Biên phòng Phú Mỹ, còn Danh Thành Tài đã ra trường và được điều động về tuyến biên giới Tây Nam tiếp tục nhiệm vụ chống dịch. Danh Hải ngoài nhiệm vụ chống dịch còn dạy tiếng Khmer cho đồng đội, chăm sóc các con nuôi đồn Biên phòng, chăm sóc mẹ liệt sĩ mà đồn nhận phụng dưỡng, vận động nhân dân tố giác người xuất, nhập cảnh trái phép. Anh còn gặp gỡ, trao đổi với các vị sư trụ trì ở địa phương, các hội đoàn thể phụ nữ, thanh niên để thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, xây dựng nông thôn mới, phổ biến, giáo dục pháp luật. Hiếm có gia đình nào cả 2 con trai, 2 thanh niên BĐBP ưu tú đều là cán bộ trẻ năng nổ, nhân cách chuẩn mực như thế.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO