Biên phòng - Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc: Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. 50 năm đã trôi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang vọng, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng
Từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, sáng tạo, quân và dân miền Bắc dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, bắt nhiều phi công địch, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch, đập tan uy thế của không lực Mỹ.
“Cùng với những thắng lợi to lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề, đánh bại âm mưu giành thế mạnh trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng đó chẳng những góp phần tạo bước ngoặt quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, mà còn mang tầm vóc thời đại, thể hiện sức mạnh, bản lĩnh, ý chí và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định.
Theo các nhà khoa học quân sự, để có được chiến công vang dội đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có định hướng, chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ động chuẩn bị mọi mặt từ rất sớm.
Tiến sĩ Phạm Văn Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng, chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ động chuẩn bị mọi mặt từ rất sớm.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thường xuyên theo dõi tình hình cả trong nước và quốc tế, các hoạt động quân sự trên chiến trường để chỉ đạo các lực lượng, nhất là lực lượng phòng không, không quân chủ động tiến hành các công tác chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng đánh địch.
Với tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân chủng Phòng không-Không quân, quân và dân Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung đã bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân chiến lược hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thế chủ động và tự tin. Đó là nhân tố quan trọng góp phần quyết định thành công vang dội của chiến dịch.
Tầm vóc thời đại của Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”
Theo các nhà khoa học quân sự, Chiến dịch phòng không tháng 12/1972 đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52. Thắng lợi này mang ý nghĩa chiến lược, được coi là trận “Điện Biên Phủ trên không” tạo bước ngoặt quyết định đi đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, quân và dân ta đã thực hiện được mục tiêu chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của một dân tộc anh hùng, quyết chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là chiến thắng của một cuộc chiến tranh chính nghĩa được sự giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế, được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ. Trong tâm tưởng và cách nhìn của bạn bè quốc tế, Việt Nam là lương tri của thời đại và “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” như là một biểu tượng của văn hóa quân sự, văn hóa giữ nước Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó không chỉ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, mà còn là chiến thắng của loài người tiến bộ, mang tầm vóc thời đại, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do và dân chủ trên thế giới” - Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự khẳng định.
Bên cạnh đó, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng để lại bài học về củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó, xây dựng QĐND và Công an nhân dân làm nòng cốt trong thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; về xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng và củng cố vững chắc các khu vực phòng thủ; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực; về khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần.
Những bài học từ Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô nói riêng và Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung hiện nay.
Tuấn Khang