Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

“Hạ nhiệt” điểm nóng ma túy ở Mộc Châu, Sơn La

Biên phòng - Thực hiện Kế hoạch 892/KH-BTL ngày 26-3-2018 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, thời gian qua, BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với loại tội phạm này, góp phần giữ vững sự bình yên cho nhân dân. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Đức Chính, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu xung quanh vấn đề này.

5baf27ff22f7c77a260021d8
Đồng chí Phạm Đức Chính, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Trần Đức

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Được biết, Mộc Châu là huyện biên giới, điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi, đi lại rất khó khăn, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy diễn biến rất phức tạp. Đồng chí có thể cho biết cụ thể vấn đề này như thế nào?

- Mộc Châu là một trong 6 huyện biên giới, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Sơn La; có đường biên giới với bạn Lào dài 39,949km; với 21 mốc quốc giới; 3 xã biên giới (Chiềng Sơn, Lóng Sập, Chiềng Khừa); có Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đóng quân trên địa bàn huyện. Đối diện với huyện Mộc Châu là huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Đời sống của nhân dân trong huyện còn nhiều khó khăn, nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa; hoạt động tôn giáo trái pháp luật vẫn còn. Trong huyện vẫn còn hiện tượng tranh chấp đất đai, vượt biên giới trái phép, di dịch cư không theo quy hoạch, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Phía bên kia biên giới là khu Pa Háng, Huổi Hiềng, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có vũ khí từ khu Pa Háng, Huổi Hiềng qua biên giới vào Việt Nam hiện nay có giảm về tần suất hoạt động so với thời gian trước, nhưng phương thức hoạt động thường xuyên thay đổi và ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tình trạng bắt giữ người trái phép ở các bản giáp biên với Việt Nam (do các đối tượng buôn bán ma túy xử lý với nhau) diễn biến ngày càng phức tạp. Lợi dụng hoạt động thăm thân, trao đổi hàng hóa, các đối tượng phạm tội đã hình thành đường dây khép kín để đưa ma túy từ ngoại biên vào nội địa tiêu thụ với số lượng lớn. Hoạt động phạm tội này thường gắn liền với tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự trên địa bàn.

- Trước thực trạng đó, UBND huyện Mộc Châu đã có những biện pháp chỉ đạo các cấp, các ngành của huyện phối hợp với BĐBP như thế nào để kiểm soát, ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới?

- Trước tình hình trên, Huyện ủy, UBND huyện đã thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành của huyện như MTTQ, Công an, Quân sự và Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo... phối hợp chặt chẽ với BĐBP tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới như: Luật Phòng chống mua bán người, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Cư trú, tác hại của ma túy, để nhân dân hiểu không bao che, tiếp tay cho tội phạm ma túy (TPMT), không trồng và tái trồng cây có chất gây nghiện, tích cực tố giác TPMT và phát giác người nghi tái nghiện và nghiện mới... Đồng thời, chỉ đạo khối nội chính của huyện thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch theo chức trách của từng ngành để đấu tranh với các loại tội phạm đạt hiệu quả, đặc biệt là TPMT trên địa bàn huyện và từ bên kia biên giới vào Việt Nam.

Huyện còn triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới và các cung đường thường được các đối tượng đưa ma túy về xuôi. Tập trung bám sát địa bàn, nắm chắc số đối tượng phạm tội và nghi vấn phạm tội về ma túy để lên phương án đấu tranh bắt giữ. Định kỳ hằng quý tổ chức giao ban với huyện Sốp Bâu (Lào), qua đó kịp thời trao đổi tình hình 2 bên biên giới, đồng thời bàn biện pháp để giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

- Thời gian qua, BĐBP đã có những việc làm rất cụ thể để cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đấu tranh ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới và giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động này?

- Thời gian qua, đặc biệt là sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai Kế hoạch 892 đến nay, BĐBP có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: Triển khai lực lượng phòng chống ma túy bám nắm địa bàn, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang của các toán, nhóm từ Lào về Việt Nam, đến nay, hoạt động này không còn công khai như trước và đã giảm rất nhiều. Sự hiện diện của BĐBP cùng vũ khí trang thiết bị hiện đại, chó nghiệp vụ đã giúp khu vực biên giới của huyện an toàn hơn, nhân dân có cuộc sống bình yên, an tâm lao động sản xuất. Bên cạnh đó, BĐBP đã tổ chức nhiều hoạt động như tặng bò giống cho người nghèo, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lao động sản xuất, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Qua đó, hình ảnh BĐBP luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân biên giới, bà con tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

5baf2ab045571455ef001dc7
Lực lượng Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP Sơn La phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phá thành công Chuyên án 167 L, bắt giữ 4 đối tượng vận chuyển 20 bánh hê-rô-in tại Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Vì Hiện

- Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của TPMT vẫn còn diễn biến rất phức tạp, xin đồng chí cho biết UBND huyện có những biện pháp như thế nào để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này?

- Thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang ngày càng có xu hướng đẩy dần lên phía Bắc Lào, lợi dụng địa hình hiểm trở để qua biên giới của huyện Mộc Châu và chúng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Do đó, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng tích cực, chủ động phối hợp với BĐBP xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào về Việt Nam qua địa bàn huyện Mộc Châu. Qua đây, chúng tôi mong muốn rằng, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục quan tâm cử lực lượng phòng chống TPMT tinh nhuệ đến địa bàn biên giới huyện Mộc Châu tiếp tục kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm nói chung và TPMT nói riêng, góp phần bảo vệ sự bình yên của nhân dân khu vực biên giới.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Trần Đức

Bình luận

ZALO