Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Hà Giang sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn ở biên giới phía Bắc

Biên phòng - Hà Giang đã và đang dựa vào Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn để phát triển du lịch. Núi đá có hàng triệu năm rồi, nhưng du lịch Hà Giang thì đang mò mẫm phát triển. “Chậm” mà “chắc”, rút kinh nghiệm các địa phương khác, Hà Giang bảo vệ bằng mọi giá về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa cốt lõi của đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, về các giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch Hà Giang.

fwr6_20a
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Hải Luận

Văn hóa đồng bào dân tộc chạm đến trái tim của du khách

- Bản chất của du lịch là địa danh đẹp, câu chuyện độc đáo, vậy Hà Giang có gì hay, thưa ông?

- Hà Giang là nơi giao thoa giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Hà Giang có nhiều cảnh quan tự nhiên của vùng núi đá và núi đất hùng vĩ, có cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh nơi địa đầu biên giới Tổ quốc. Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng, như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo...

Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục riêng, độc đáo, khó nơi nào có được. Từ thành phố Hà Giang bắt đầu hành trình theo cung đường Hạnh Phúc đến Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... Sự thật đây là một cung đường du lịch độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có bao nhiêu cảnh đẹp hấp dẫn được xếp vào loại độc đáo của thế giới. Các bạn lên đây sẽ được nghe câu chuyện Bác Hồ kêu gọi thanh niên các tỉnh cùng chung sức khai mở cung đường Hạnh Phúc, thành trường ca huyền thoại “máu và hoa”, nói lên bản lĩnh kiên cường, ý chí sắt thép của con người ở trấn giữ biên cương.

- Nhiều tỉnh vì nóng vội phát triển du lịch đã “băm nát” những giá trị của bản địa, thay vào những thứ lai căng. Du lịch Hà Giang mới phát triển, vậy phải đi theo hướng nào để mang tính bền vững, thưa ông?

- Hà Giang rất mong muốn phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhưng không vì thế mà lựa chọn hướng phát triển “nóng”, đặc biệt là phát triển du lịch. Chúng tôi phát triển du lịch dựa vào văn hóa cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Hà Giang. Tháng 3-2019, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai chương trình phát triển du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch cộng đồng với du lịch dược liệu. Kêu gọi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng về phát triển du lịch.

Nhiều cơ sở lưu trú du lịch cao cấp đã đặt tại Lũng Cú, Đồng Văn và Mã Pi Lèng, Mèo Vạc... nói hiện đại để “xếp sao, xếp hạng” bản chất phục vụ vẫn là cốt cách của con người ở đây, các món ăn, ẩm thực ở trong vùng. Rồi nhiều mô hình kinh tế du lịch gắn với thôn, bản ở các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang... Đa số những điểm du lịch này vẫn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đây cũng là nơi để khách đến thưởng thức, khám phá, trải nghiệm, với cảm xúc dạt dào và chạm đến trái tim của du khách. 

- Vùng cao nguyên đá Hà Giang từ lâu nổi tiếng thiếu nước, khách du lịch đổ về đây nhiều mà không có nước sử dụng, chẳng khác nào tự làm hại chính mình?

- Những năm qua, thực hiện chương trình của Chính phủ về đầu tư cho Hà Giang xây dựng hàng trăm cái hồ “treo” trên núi ở các huyện khan hiếm nước vào mùa khô, tổng dung tích dự trữ hàng vạn mét khối nước. Hồ “treo” trên núi được thiết kế khá đẹp mắt, theo hình bầu dục, hình trái tim hay hình vầng trăng khuyết... Với làn nước trong xanh, không chỉ đủ cung cấp nước cho hàng ngàn người dân nơi đây, mà còn tạo nên cảnh quan môi trường, du lịch thơ mộng ở vùng cao nguyên đá.

Đường cao tốc đến tận biên giới

- Hà Giang tiếp giáp với Trung Quốc, tỉnh đã có giải pháp nào để thu hút thị trường du lịch khổng lồ này, thưa ông?

- Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường cao tốc đến tận cửa khẩu Thanh Thủy, cuối năm nay sẽ hoàn thành. Chúng tôi đang thực hiện chương trình hợp tác với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hai bên, trong đó, du lịch đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang hợp tác toàn diện với châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam. Ngoài cửa khẩu Thanh Thủy, còn có cửa khẩu Phó Bảng ở huyện Đồng Văn, cửa khẩu Săm Pun, huyện Xín Mần và nhiều lối mở cũng sẽ nâng cấp lên cửa khẩu để thu hút khách du lịch.

08bi_20b
Ngành du lịch tỉnh Hà Giang ký kết với các công ty lữ hành du lịch các tỉnh Nam Trung bộ đưa khách lên Hà Giang. Ảnh: Hải Luận

- Khi nhắc đến Hà Giang, người ta nghĩ đến đó là con “đường cụt” khó thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tiêu tiền. Quan điểm của ông như thế nào?

- Hà Giang có nhiều danh lam thắng cảnh, núi rừng hùng vĩ, văn hóa phong tục độc đáo, nhưng vẫn chưa thu hút khách về đây được nhiều. Bởi vì chỉ có con đường bộ độc đạo. Vì lẽ đó, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và được đồng ý cho khảo sát tuyến đường cao tốc từ Lào Cai đến cửa khẩu Thanh Thủy. Tôi và anh Vinh, Bí thư Tỉnh ủy vừa mới làm việc với Thủ tướng, xin tháo gỡ một số vướng mắc. Tỉnh và một số bộ, ngành đang tích cực hoàn thiện các công đoạn chuẩn bị, giải phóng mặt bằng để cuối năm 2019 sẽ khởi công tuyến đường cao tốc này.

Như vậy, đường cao tốc của nước ta sẽ đấu nối với đường cao tốc của Trung Quốc ở cửa khẩu Thanh Thủy, trở thành cửa ngõ quan trọng, không phải là “đường cụt” nữa, mà là tuyến đường quốc tế huyết mạch, không chỉ dành riêng cho Hà Giang, mà còn cho các tỉnh khác như Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội cũng thu hút được khách. Du khách xuống sân bay Nội Bài, nhảy lên xe 3 tiếng đồng hồ sẽ đến Hà Giang. 

- Hà Giang muốn phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng du lịch, cần nguồn vốn và kinh nghiệm bên ngoài đến hợp tác làm ăn. Người ta rất sợ một tỉnh ở xa như thế sẽ hay làm khó về thủ tục hành chính. Ông có biện pháp nào để giải quyết mối quan hệ này?

- Việc này chúng tôi đã xác định rất rõ rồi, không có gì trở ngại và khó khăn nào cả. Tỉnh Hà Giang có trung tâm hành chính công, lâu nay hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi cam kết với các nhà đầu tư, công ty lữ hành, khách sạn, nghỉ dưỡng... phục vụ tối đa. Chính vì vậy, xếp hạng về cải cách hành chính, năm qua, tỉnh chúng tôi được xếp vào tốp đầu. Hà Giang đang xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh. Hà Giang sẽ sớm trở thành trung tâm du lịch lớn ở vùng biên giới phía Bắc.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 1-10-2010, Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, trở thành công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam, thứ hai của Đông Nam Á. “Du lịch đã có bước phát triển kỳ diệu, từ con số hơn 30.000 lượt khách du lịch đến Hà Giang năm 2010, đến năm 2018 đã tăng trên 1 triệu khách, doanh thu đạt 1.150 tỉ đồng. Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ 2 của Tổ chức mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Tạp chí Vacationidea, Hoa Kỳ bình chọn, du lịch Hà Giang đứng thứ 6/25 bảng xếp hạng điểm đến hấp dẫn của Việt Nam” – Ông Sơn chia sẻ thông tin.

Hải Luận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO