Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Gương mặt trẻ tiêu biểu của BĐBP Điện Biên giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo vì khí hậu

Biên phòng - Trong cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp tổ chức vừa qua, Trung úy Nguyễn Văn Hiển, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, BĐBP Điện Biên đã xuất sắc đoạt giải quán quân với sáng kiến “Trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới”. Sáng kiến của Trung úy Nguyễn Văn Hiển đã vượt qua hơn 400 bài dự thi trên khắp cả nước để giành giải cao nhất cuộc thi.

Đồng chí Mùa Chiến Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn Điện Biên tặng quà và chúc mừng thành tích của Trung úy Nguyễn Văn Hiển sau khi đoạt giải quán quân tại Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”. Ảnh: Đoàn Tuấn

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nam, tuổi thơ của Nguyễn Văn Hiển (sinh năm 1996) gắn liền với những cánh đồng lúa xanh mướt. Thế nhưng, anh lại lựa chọn công việc gắn bó với biên giới, với đồng bào dân tộc thiểu số khi quyết định nộp hồ sơ và thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Với những nỗ lực không ngừng trong học tập, rèn luyện, năm 2019, Nguyễn Văn Hiển tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ lên biên giới Điện Biên.

Hiện tại, Trung úy Nguyễn Văn Hiển là Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Si Pa Phìn, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, BĐBP Điện Biên. Trong 2 năm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, anh và đồng đội đã không quản nắng mưa, ngày đêm làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lối mở, đường mòn, cửa khẩu phụ nhằm ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và kiểm soát xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan vào nước ta.

Và sáng kiến “Trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới” cũng được “nảy nở” trong quá trình Trung úy Hiển và đồng đội thực hiện nhiệm vụ “kép” trên biên giới. Trao đổi với chúng tôi, anh hồ hởi nói: “Ý tưởng để tham gia Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” lần này đến với tôi rất tình cờ, xuất phát từ quá trình công tác trên địa bàn biên giới. Đó là khi tôi cùng đồng đội đến một số bản của xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nơi có một số gia đình người Thái nuôi tằm để lấy tơ dệt vải”.

Đời sống của người dân xã Si Pa Phìn vốn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu. Đồng bào chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông làm lao động tự do, công việc không ổn định dẫn đến dễ chìm đắm vào tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, buôn người, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... Phương thức sản xuất nông nghiệp của địa phương còn manh mún, tự cung, tự cấp và chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Người dân chỉ làm một vụ lúa trong năm, quỹ đất thì dư thừa, trong khi nghề nuôi tằm, dệt vải thì ngày càng mai một.

“Nhận thấy quỹ đất ở huyện Nậm Pồ còn tương đối nhiều nhưng chủ yếu bỏ hoang để mặc cho cỏ gianh mọc, tôi trăn trở tại sao đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây lại không nhân rộng mô hình trồng dâu để lấy nguyên liệu cho việc nuôi tằm, dệt vải” - Trung úy Nguyễn Văn Hiển chia sẻ.

Như chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung úy Nguyễn Văn Hiển giải thích cặn kẽ về đặc tính của cây dâu tằm và lý do tại sao anh lựa chọn cây này. Đây là cây dễ trồng, có thể tận dụng được cả lá, rễ, quả? Lá dâu ngoài việc nuôi tằm còn là vị thuốc chữa cảm lạnh, tiêu đờm; rễ cây, vỏ cây cũng là vị thuốc Đông y đặc biệt. Quả của cây dâu tằm vừa là vị thuốc chữa ho, vừa có thể ngâm làm thức uống siro có giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt, cây dâu tằm rất dễ sống, sinh trưởng được cả ở những nơi khô cằn, thiếu nước, lại tốn ít công chăm sóc với khả năng tự lực phát triển, mở rộng diện tích cao. Đây cũng là loại cây gần gũi, quen thuộc trong đời sống đồng bào nơi đây. Chính vì vậy, việc trồng cây dâu tằm vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ đất, tạo môi trường sinh thái; vừa giúp tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào ở khu vực biên giới nơi đây.

Điểm mới trong sáng kiến của Trung úy Hiển đó là cải thiện môi trường sống song song với phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp thực tế và thiết thực nhất cho nhân dân khu vực biên giới nói riêng và cả nước nói chung, khi vừa là kết hợp sản xuất, vừa cải thiện môi trường, tạo công ăn việc làm cho bà con. Từ đó, bà con sẽ tự chủ trong sản xuất; đồng thời, chi phí nguồn vốn bỏ ra ban đầu thấp, chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất hầu như không có.

Trung úy Hiển chia sẻ: “Giải pháp này mang tính thực tế cao, chi phí thấp. Tôi hy vọng, trong tương lai sẽ có những bãi dâu xanh ngắt ở khu vực biên giới, góp phần giúp bà con có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các sản phẩm từ dâu tằm sẽ được quảng bá trong và ngoài nước, tăng thu nhập, nâng cao dân trí, hạn chế được các tệ nạn xã hội và xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, việc xây dựng một hàng rào sinh học vừa có ý nghĩa về môi trường, vừa góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Có thể thấy, với tình thương và trách nhiệm đối với nhân dân ở nơi địa bàn công tác, sáng kiến của Trung úy Nguyễn Văn Hiển đã gỡ khó cho bài toán phát triển kinh tế bền vững ở vùng biên Si Pa Phìn. Không chỉ dành vị trí quán quân trong Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”, Trung úy Nguyễn Văn Hiển còn được biết đến là cán bộ năng động, có trách nhiệm với công việc. Năm 2021, anh đã được bình chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu của BĐBP Điện Biên.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO