Biên phòng - Từ bài thơ “Chiều biên giới” của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ - người từng trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới năm 1985 tại đơn vị D1016-F316 Bắc Ngầm Hoàng Liên Sơn, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Hưng đã sáng tác bài hát cùng tên với giai điệu trẻ trung, sâu lắng khắc họa được tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của những chiến sĩ cầm súng bảo vệ đất trời biên cương.
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Hưng và nhà thơ Nguyễn Đăng Độ là những cái tên quen thuộc trong giới âm nhạc, thơ ca. Nếu như nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Hưng làm nên tên tuổi khi là đạo diễn âm nhạc của 3 bộ phim đình đám “Gió làng Kình”, “Ma làng”, “Thương nhớ ở ai” thì nhà thơ Nguyễn Đăng Độ lại được biết đến với những bài thơ bay bổng, sâu sắc đã đi vào khuông nhạc của rất nhiều nhạc sĩ. Giữa họ - một người sinh sống ở Đà Nẵng, một người sinh sống ở Hà Nội nhưng luôn có “sợi dây” kết nối bền chặt, luôn thấu hiểu những ý đồ nghệ thuật của nhau. Và ca khúc “Chiều biên giới” là một trong những minh chứng.
Trước hết, nói về bài thơ, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ cho biết, cách đây 38 năm, anh đã có vinh dự và tự hào được cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc. Thời gian đã lùi xa nhưng những kỷ niệm, hình ảnh về cuộc sống của người lính chiến đấu nơi tuyến đầu Tổ quốc luôn là những ký ức bi tráng, hào hùng không thể nào quên. Những kỷ niệm đó đã giúp anh có những cảm xúc để viết nên bài thơ giàu xúc cảm “Chiều biên giới”.
Ở đó, người đọc không chỉ thấy được khung cảnh biên giới đẹp, lãng mạn qua cái nhìn của những người lính trẻ mà còn là tinh thần, là khẩu khí, là một lòng, một dạ với nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng, cho dù công việc này luôn đầy rẫy những vất vả, hiểm nguy: “Chiều biên giới mịt mù sương phủ/ Nắng vàng trốn vội phía rừng xa/ Người lính giữa trùng trùng núi đá/ Mắt không rời cột mốc biên cương/ Những trận mưa rừng những đêm trắng phong sương/ Cơn bấc lạnh riết trên da thịt/ Đêm đơn độc tiếng côn trùng da diết/ Phía quê xa dáng mẹ hao gầy/ Cuộc chiến xưa dấu tích còn đây/ Bao người lính phơi mình giữa trùng trùng vực thẳm/ Tổ quốc nhuộm trong màu cờ máu thắm/ Anh đứng giữa mây ngàn súng chắc trong tay…”.
Đoạn kết bài thơ như một sự khẳng định chắc nịch chân lý muôn đời của những người lính gìn giữ biên cương: “Những vần thơ hẹn một lời thề/ Khắc trên đá hồn thiêng non nước/ Dòng máu Lạc Hồng cha ông tiếp bước/ Giữ yên chiều biên giới ngàn năm”.
Có thể thấy, để phổ nhạc bài thơ “Chiều biên giới” là thử thách không nhỏ với nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quang Hưng, bởi trước đó có nhiều bài hát cùng tên như vậy của các nhạc sĩ khác đã rất nổi tiếng. Là nhạc sĩ thuộc hệ 8X, Quang Hưng đã phá cách, sáng tác nhạc trên chất Rock đầy sôi nổi, nhiệt huyết để đem đến cho người nghe “món ăn” mới mẻ, hấp dẫn.
Anh cho rằng, đề tài biên giới và những người lính luôn phong phú, đa dạng nhưng người sáng tác nhạc phải biết đào sâu, chắt lọc và tạo ra hướng đi mới cho mình, nếu không muốn bị khán giả quay lưng. Thông qua bài hát, anh muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay về ý thức, trách nhiệm với Tổ quốc, với biên cương để xứng đáng với sự hy sinh máu xương của các thế hệ đi trước.
Là người được tác giả âm nhạc gửi gắm “đứa con tinh thần”, Thiếu tá, ca sĩ Nguyễn Ngọc Linh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) khẳng định, khi nhận được cuộc gọi của nhạc sĩ Quang Hưng trao đổi về ca khúc “Chiều biên giới”, anh khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên giữa họ có sự cộng tác. Khi xem bản nhạc và đọc lời bài hát thì anh đã cảm thấu rất nhanh và nắm được hồn cốt của bài hát vì bản thân anh đang công tác trong môi trường Quân đội và từng nhiều lần đi hát phục vụ các chiến sĩ, bà con vùng sâu, vùng xa trên tuyến biên giới. Đặc biệt, anh đã từng biểu diễn tại Nghĩa trang Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của nhiều anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
“Khi đọc lời bài hát, tôi đã rất xúc động. Đó là một tác phẩm mang hơi hướng trẻ trung nhưng không mất đi phần hào hùng, bi tráng ca ngợi những chiến công anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ. Và cứ thế, dòng cảm xúc tuôn ra và hòa mình vào tác phẩm một cách tự nhiên không miễn cưỡng. Tôi đánh giá đây là tác phẩm rất tâm huyết của tác giả thơ cũng như nhạc sĩ và nó sẽ “sống được” trong lòng công chúng yêu nhạc” - ca sĩ Ngọc Linh nhấn mạnh.
Là tác giả của nhiều ca khúc được yêu thích, trong đó có “Mùa Xuân làng lúa, làng hoa”, “Biên cương âm vang lời Bác”…, Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê nhận xét: “Đây là một ca khúc hay, vừa trẻ trung, vừa hào sảng. Nhịp điệu Rock của ca khúc này đã “thổi hồn” cho lời thơ. Lời thơ như một bức tranh động, phác họa về một miền biên giới thân yêu mà ở đó, “người lính giữa trùng trùng núi đá, mắt không rời cột mốc biên cương”. Tên bài hát “Chiều biên giới” cũng đã gợi cho người nghe khá nhiều bài thơ, ca khúc của các nhạc sĩ, nhà thơ mà tiêu biểu là các bài hát của các nhạc sĩ Trần Chung (thơ Lò Ngân Sủn), Vũ Hiệp Bình, Nguyễn Văn Hiên, Đức Miêng...
Nhưng ở “Chiều biên giới” này là “Những vần thơ anh viết hôm nay/ Không kể xiết nỗi niềm sương gió/ Những vần thơ giữa núi rừng nắng đỏ/ Nặng nỗi lòng da diết phía trời quê”! Có lẽ, nhạc sĩ đã rất đúng khi chọn nhịp điệu Rock để phổ nhạc cho bài thơ này. Tác giả âm nhạc đã vừa phác họa được không gian biên giới, vừa lột tả được khí thế trẻ trung, sôi nổi mà cương quyết của những người lính trẻ, quyết “giữ yên chiều biên giới ngàn năm”.
Hy vọng, với sự tâm huyết của hai tác giả thơ và nhạc, cùng phần biểu diễn thành công của ca sĩ Ngọc Linh, bài hát sẽ vang xa đến nhiều chiến sĩ mang quân hàm xanh trên dọc dài đất nước thân yêu, qua đó, góp thêm giai điệu đẹp về biên cương Tổ quốc.
Ngô Khiêm