Biên phòng - Sáng 12-1, tại Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” (gọi tắt là Đề án). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 46 điểm cầu, với trên 1.500 đại biểu tham dự. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP; Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Quân chủng Hải Quân, Cục Tài chính, Cục Tuyên huấn, Cục Dân vận, Văn phòng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố biên giới.
Báo cáo tổng kết Đề án do Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án trình bày tại hội nghị chỉ rõ: 5 năm qua, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự quan tâm phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự tham gia tích cực, nghiêm túc, thống nhất, có trọng điểm, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển và Ban Chỉ đạo Đề án các cấp.
Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cơ quan Thường trực phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Đề án các tỉnh, thành phố biên giới triển khai đồng bộ, đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng.

Nổi bật, thông qua hoạt động tuyên truyền miệng từ năm 2017 đến 2021, các đơn vị đã tổ chức trên 3.500 hội nghị trực tiếp quán triệt, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật với gần 280 nghìn người tham dự; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ và cổ động trực quan xây dựng chương trình văn nghệ, biểu diễn các tiểu phẩm, lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật và kết hợp chiếu phim phục vụ cán bộ, nhân dân; tuyên truyền, giáo dục thông qua hoạt động "Ngày Pháp luật", các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thi đua...
Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, tổ hòa giải, các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trung tâm tư vấn pháp luật, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm đã tư vấn pháp luật cho trên 50 nghìn lượt người dân, góp phần hòa giải thành công từ 65 đến 75% các vụ việc tranh chấp, vi phạm trong cộng đồng dân cư. Tòa án nhân dân cấp huyện đưa 528 vụ án điển hình xét xử lưu động tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự ở vùng biên giới, hải đảo. Qua đó, giáo dục tinh thần thượng tôn, tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm.
Tuyên truyền, giáo dục thông qua việc nhân rộng các mô hình, phong trào tiêu biểu. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào và sáng kiến tiêu biểu; thường xuyên cập nhật những biện pháp, cách làm mới, khoa học, hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gắn với các phong trào như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”; Chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; các mô hình: “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, “Dân vận khéo”.
Các mô hình, cách làm này đã góp phần đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các lực lượng ở vùng biên giới, hải đảo. Các địa phương, đơn tiêu biểu trong thực hiện Đề án như: Điện Biên, Lạng Sơn, Nghệ An, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng các quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc. Tỷ lệ vi phạm pháp luật hằng năm giảm, năm sau thấp hơn năm trước; một số địa phương giảm rõ rệt, tiêu biểu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Tiền Giang, Bạc Liêu...
Việc thực hiện hiệu quả Đề án có ý nghĩa chính trị sâu sắc, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; khẳng định và lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân; giữ vững an ninh, trật tự vùng biên giới, hải đảo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Diện mạo vùng biên giới, hải đảo có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố, xây dựng vững mạnh. Tiêu biểu trong triển khai thực hiện Đề án là các tỉnh: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk...
Tại hội nghị, đại biểu các đơn vị trong quân đội và các tỉnh, thành phố biên giới đã trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả, cũng như những hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án.
Kết luận hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương khẳng định, việc triển khai Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao trình độ, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng khu vực biên giới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận trận an ninh nhân dân vững mạnh. Quá trình thực hiện Đề án đã phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống chính trị trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo.
Quá trình thực hiện Đề án thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố biên giới, hải đảo và công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang và ngành tư pháp. Đề án được triển khai nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm; các cấp, các ngành đã vận dụng sáng tạo, không ngừng đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng sát thực tế, đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của công dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy vai trò của nhân dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Sau gần 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả rất quan trọng như hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu biết đúng các quy định, tính nghiêm minh của pháp luật để chấp hành nghiêm túc. Đề án đã góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tội phạm; ý thức quốc gia, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên.
Hiệu quả của Đề án đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, biển đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện và có nhiều khởi sắc, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân được củng cố vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu, trong thời gian tới, để phát huy kết quả đã đạt được của Đề án, cần có sự tham gia trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.


Ghi nhận những thành tích trong thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho tập thể Bộ Tư lệnh BĐBP và 3 cá nhân gồm: Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP và Đại tá Lê Trọng Xuân, Trợ lý Phòng Pháp luật Hành chính và Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 72 tập thể, 139 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, còn có 6 tập thể, cá nhân theo đề nghị của Bộ Quốc phòng đã được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tặng Bằng khen.
Cùng ngày, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thượng tướng Võ Minh Lương đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho lực lượng BĐBP và Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Viết Lam