Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 07:08 GMT+7

Góc nhìn từ chuyên gia

Biên phòng - UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chính thức đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định dừng “Đề án Công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn - Sa Huỳnh” sau gần 6 năm dày công xây dựng. Phần lớn diện tích dự án này nằm trên địa bàn biên giới biển. Để độc giả có cái nhìn nhiều chiều về giá trị của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ mang lại, khi được UNESCO công nhận, phóng viên báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, người đã đồng hành với đề án này.

PGS.TS Trần Tân Văn. Ảnh: Văn Chương

- Vừa qua, có nhiều tờ báo đăng bài phỏng vấn lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ lý do muốn dừng Đề án Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi đã đọc các bài báo này và thấy rằng, nếu tỉnh Quảng Ngãi muốn dừng đề án thì nên tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi để có cái nhìn nhiều chiều, sau đó có báo cáo gửi Ủy ban quốc gia UNESCO nói rõ lý do dừng đề án, trong khi hồ sơ đang được xét duyệt. Tỉnh Quảng Ngãi từng có ý định được UNESCO công nhận “Không gian văn hóa Sa Huỳnh” là di sản văn hóa thế giới để phát triển du lịch. Nếu giờ định dừng hồ sơ đang được xét duyệt về CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh thì “Không gian văn hóa Sa Huỳnh” cũng khó thuyết phục được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

- Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đắn đo về diện tích CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh rộng 4.600km2 là quá lớn, xin ông chia sẻ về ý kiến này?

- CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh hiện tại có tới 2.600km2 là vùng biển nội thủy, chỉ có khoảng 2.000km2 đất liền thôi. So với các CVĐC khác của nước ta hiện nay, như Cao nguyên đá Đồng Văn 2.360km2, Non Nước Cao Bằng 3.390km2 thì CVĐC ở Quảng Ngãi không quá lớn. Yêu cầu của UNESCO là một CVĐC cần có diện tích đủ lớn để có thể đóng góp đáng kể vào nền kinh tế-xã hội của địa phương. Ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐC Toàn cầu, Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu của UNESCO, nhắc lại trong cuộc họp đầu năm 2020 với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi còn cho rằng, với diện tích lớn như thế, được công nhận rồi làm gì cũng phải hỏi ý kiến UNESCO thì phức tạp, rắc rối lắm. Nhận định này chắc chắn là do chưa hiểu rõ về CVĐC, vì các chuyên gia, nhà khoa học cả trong lẫn ngoài nước đều đã nhiều lần khẳng định, rằng không giống như các danh hiệu khác của UNESCO như Di sản Thế giới hay Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới nặng về bảo tồn, chỉ có một số diện tích nhỏ trong CVĐC, bao quanh các di tích, danh thắng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh mới cần bảo tồn.

- Hồ sơ CVĐC Lý Sơn- Sa Huỳnh đã đạt tiến độ đến đâu rồi, thưa ông?

- Tỉnh Quảng Ngãi đã trình hồ sơ lên UNESCO vào cuối tháng 11-2019 và hồ sơ đã vượt qua vòng thẩm định ban đầu, do các chuyên gia của Hiệp hội Địa chất Quốc tế (IUGS) thực hiện, đánh giá về ý nghĩa quốc tế của các đặc điểm địa chất và giá trị di sản địa chất của CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh. Đấy thực ra đã là một tin rất vui, vì nó khẳng định rằng CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh đúng là có giá trị quốc tế - một trong những điều kiện tiên quyết để được công nhận là CVĐC Toàn cầu.

Tuy nhiên, kết quả đó còn cần thẩm định tại thực địa, cùng với việc thẩm định một số tiêu chí nữa, chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, vận hành, hội nhập, quảng bá hình ảnh... của CVĐC Lý Sơn-Sa Huỳnh. Và UNESCO đang chuẩn bị để thông báo kế hoạch thẩm định đó, dự kiến, nếu không vì đại dịch Covid-19, sẽ diễn ra vào khoảng tháng 7-2020. CVĐC Toàn cầu UNESCO không chỉ là một danh hiệu, đó thực sự là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tháng 5 năm 2020, CVĐC Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, lập tức những thắng cảnh đẹp của vùng lõi CVĐC tràn ngập trên các trang mạng, từ Vườn quốc gia Tà Đùng, hệ thống hang động, núi lửa Nậm Kar... Tỉnh Đắk Nông kỳ vọng đây là “cú hích” cho ngành du lịch phát triển.

- Viễn cảnh tương lai sẽ như thế nào, nếu CVĐC này chính thức được UNESCO công nhận?

- Sau khi được UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, số lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, với tỉnh Hà Giang, đã tăng từ khoảng 300.000 người/năm vào năm 2010 lên đến khoảng 2 triệu người/năm vào năm 2019. Và tỉnh Hà Giang đã phải bắt đầu quan tâm đến ngưỡng chịu tải du lịch, chuyển trọng tâm sang du lịch chất lượng thay vì du lịch đại trà..

Bạn hãy nhìn sang tỉnh láng giềng Quảng Nam, xem họ như thế nào khi có hai Di sản Văn hóa Thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An và một Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù lao Chàm - Hạ lưu sông Thu Bồn. Thậm chí, họ còn đang có ý định có thêm cả CVĐC nữa. Không biết họ có băn khoăn, e ngại gì về những mâu thuẫn, xung đột giữa bảo tồn và phát triển không? Không biết các nhà đầu tư vì thế mà ngại, không muốn đầu tư vào Quảng Nam nữa không?

- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này!

Lê Văn Chương (Thực hiện)

Bình luận

ZALO