Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Gỡ “thẻ vàng”

Biên phòng - 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%, thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông thủy hải sản giảm mạnh, dù thuế suất tại nhiều thị trường mà Việt Nam là thành viên hiệp định thương mại đã về 0%. Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay chỉ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm hải sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) giảm từ 4 - 20%, trừ xuất khẩu cá ngừ.

fwus-10-w550
Ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương của thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đưa sản phẩm khai thác được lên bờ. Ảnh: Phương Oanh

Lý giải sự sụt giảm trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chỉ ra, việc EU cảnh cáo "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam vì những nỗ lực chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã làm giảm xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường này.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản với 12 loài thủy sản quy định sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về truy xuất nguồn gốc. Theo đó, thủy sản vào được thị trường này phải đáp ứng các yêu cầu truy suất nguồn gốc từ nuôi trồng hay đánh bắt.

Ngay cả thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay (31,5%). Nguyên do, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp dụng hàng loạt rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến lượng hàng xuất khẩu của nước ta giảm mạnh. 

Thực tế, sau 2 năm thủy sản nước ta bị EU áp dụng "thẻ vàng" đến nay, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được 4 nội dung theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Trong đó nổi lên là tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp diễn phức tạp; công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy; việc kiểm soát tàu cá cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu...

Dự kiến, trong những ngày tới, đoàn thanh tra của EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao thủy sản Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ", tức là bị cấm nhập khẩu hoàn toàn vào thị trường EU.

Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, trong đó, hải sản đạt 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự chậm trễ từ việc gỡ "thẻ vàng" của EU có thể ảnh hưởng đến doanh số rất lớn.

Do vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra của cả ngành thủy sản là tập trung gỡ bỏ “thẻ vàng”, lấy lại niềm tin cho các nhà nhập khẩu EU. Muốn vậy, các địa phương phải thực sự vào cuộc quyết liệt, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển. Trước mắt, các địa phương phải thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, đảm bảo 100% tàu cá được cấp giấy phép theo quy định trước tháng 7-2019. 

Thiết nghĩ, để đảm bảo tính ổn định và bền vững cho xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp cần tăng cường sự phối hợp với ngư dân tham gia chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm khai thác, xuất khẩu; chủ động mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường trách nhiệm thu thập, phổ biến cũng như đưa ra dự báo, khuyến cáo về những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thay đổi tại các thị trường trên thế giới; từ đó có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong nước chuyển đổi kịp thời.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO