Biên phòng - Phân định vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là căn cứ quan trọng để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, tiêu chí phân định địa bàn miền núi, vùng cao này phản ánh chưa chính xác sự khác biệt giữa các địa phương, vùng, miền, đặc biệt là trình độ phát triển giữa địa bàn miền núi so với đồng bằng. Việc đưa tỷ lệ hộ DTTS vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tế, nhằm xây dựng, hoạch định chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Những “nút thắt” tồn tại hơn 20 năm
Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết: Theo tiêu chí hiện hành, vùng cao được xác định là những địa bàn có độ cao trên 600m so với mực nước biển; còn những địa bàn có độ cao trên 200m so với mực nước biển là vùng núi. Chính cách phân biệt đơn giản này đã dẫn đến việc phản ánh chưa chính xác sự khác biệt giữa các địa phơng các vùng miền. Ví dụ, cũng là tỉnh vùng cao, nhưng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc là địa hình núi đá, độ dốc lớn, đất đai bị rửa trôi xói mòn, rất khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH); ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai có độ dốc không lớn, đất đỏ bazan màu mỡ, thuận lợi trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển KT-XH.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người DTTS, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho rằng, việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao dựa theo độ cao chưa bao quát được thực trạng phát triển giữa các địa bàn, khu vực, vùng miền. Điều này dẫn tới những hạn chế trong việc xây dựng, triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH. Ông lấy ví dụ như chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Theo nghị định này thì từ năm học 2014-2015, học sinh cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn miền núi chỉ phải đóng học phí từ 8 - 60 nghìn đồng/học sinh/tháng (tùy theo từng cấp học). Trong khi đó, những học sinh ở địa bàn đồng bằng thì phải đóng từ 30 - 300 nghìn đồng/học sinh/tháng (tùy theo khu vực thành thị hay nông thôn). “Trong khi chưa hẳn địa bàn đồng bằng đã phát triển hơn so với địa bàn miền núi nên việc quy định khung học phí như Nghị định 86/2015/NĐ-CP là chưa hợp lý” - Ông Lương phân tích.
Trong một hội thảo góp ý tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã đặt câu hỏi: Chúng ta đang dựa vào kết quả phân định để ưu tiên đầu tư. Thế nhưng, sau hơn 20 năm (tính từ năm 1996), số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được ưu tiên đầu tư không giảm mà lại tăng lên.
Theo báo cáo của UBDT, quá trình triển khai thực hiện các bộ tiêu chí từ năm 1996 đến nay, trong đó có Quyết định 50/2016/QĐ-TTg ngày 3-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS và miền núi, bên cạnh các ưu điểm, đã bộc lộ một số bất cập như: Tất cả các bộ tiêu chí từ trước đến nay không đề cập đến tỷ lệ hộ DTTS, do đó, phân định xã vùng DTTS sinh sống là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, các tiêu chí từng bước được lượng hóa, nhưng chưa tính đến yếu tố đặc thù nên còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Thôn đặc biệt khó khăn là một trong các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp giữa xã quy mô lớn, có nhiều thôn với xã quy mô nhỏ có ít thôn. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng xã khu vực II có nhiều thôn đặc biệt khó khăn hơn xã khu vực III, gây nên bất cập trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và áp dụng các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng nhiều địa phương muốn có nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn để được đầu tư, thụ hưởng chính sách từ ngân sách Trung ương. Có thể thấy, quy định hiện hành đã không đề cập đến vai trò thẩm định của UBDT nên việc phân định chưa thật sự công bằng, minh bạch giữa các địa phương, chưa thật sự tập trung nguồn lực cho những nơi khó khăn nhất.
Đưa nguồn lực vào đúng “địa chỉ”
Vừa qua, UBDT đã có báo cáo tóm tắt trình Chính phủ về Đề án “Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, UBDT đề xuất lấy tỷ lệ đồng bào DTTS tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung cả nước làm cơ sở xác định địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng. UBDT cũng đề xuất: Lấy tỷ lệ đồng bào DTTS tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước (hiện nay là 14,7%, lấy tròn số là 15%) làm cơ sở xác định địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng. Theo cách tính của UBDT, vùng DTTS và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% số hộ trở lên.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phân tích: “Việc đưa tỷ lệ hộ DTTS vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Việc phân định tiêu chí vùng đồng bào DTTS sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực vào các nơi thực sự khó khăn, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả”. Theo cách tính của UBDT, số xã vùng DTTS và miền núi sẽ giảm 1.000 xã so với hiện nay, do không đủ tiêu chí về tỷ lệ người DTTS, số xã theo diện 135 sẽ giảm 300 xã so với hiện nay.
“Để giải quyết những khó khăn cho vùng DTTS và miền núi, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030. Trong đó, xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đáng chú ý là: “Xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”. Hiện nay, UBDT đã xây dựng Đề án tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và đã được Chính phủ đồng ý chủ trương, đây sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS”- Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết.
Bình Minh