Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:52 GMT+7

Gỡ khó cho xuất khẩu trái cây trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp

Biên phòng - Việt Nam đang cố gắng từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản tới các nước Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, song hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỉ trọng lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây gặp rất nhiều khó khăn. Áp lực từ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới là rất lớn với rất nhiều quy định khắt khe về chất lượng và rào cản kỹ thuật khác.

Thanh long ruột đỏ của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản từ năm 2017. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Có thể ách tắc ở thị trường Trung Quốc

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tính đến cuối năm, sản lượng trái cây của nước ta có thể là 700.000 tấn. Nếu tính đến Tết Nguyên đán là hơn 1,7 triệu tấn. Theo ông Tùng, trong quý I năm 2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu... Thực tế, những ngày vừa qua, đã xảy ra hiện tượng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu, trong đó phần lớn là trái cây tại các cửa khẩu Lạng Sơn.

Có chung nhận định, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, các khó khăn mà ngành rau quả đang phải đối mặt là dịch Covid-19, khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thuê tàu, thuê container... gây ra tình trạng ứ đọng rau quả. Hơn nữa, “theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Nguyên cho biết.

Thêm khó khăn nữa mà ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ. Bên cạnh đó, rau quả của chúng ta sản xuất có nhiều loại trùng với Trung Quốc. Hơn nữa, vườn trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam còn ít dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm nguồn nguyên liệu để xuất khẩu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng bày tỏ sự lo ngại khi thời gian tới, Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả đúng vào dịp mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam. Trong điều kiện năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo ông Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, để phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành rau quả, cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường theo chuỗi 3 nhóm sản phẩm: Thủy sản, lúa gạo, trái cây, trong đó, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng các phương án để tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng cường chế biến sâu và mở rộng thị trường cũng như xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên nền tảng logistic hiện đại.

“Chúng ta cũng cần tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị và các địa phương nên tạo dựng nền công nghiệp chế biến gắn với sản xuất và thị trường bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và logistic” - ông Đinh Viết Tú gợi mở.

Bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, liên kết hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với đó là đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Theo ông Nguyên, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT nên nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn quả mới có chất lượng cao, dễ canh tác...

Với việc Trung Quốc tăng quy định nhập khẩu nông sản mà mới nhất là Lệnh 248 và 249 từ ngày 1-1-2022, thị trường Trung Quốc giờ không còn “dễ tính” như trước. Hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng, mà còn về mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, cánh cửa xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên mậu sẽ khép lại. Do đó, để xuất khẩu bền vững sang thị trường rất lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng các mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn đối với nông sản.

Ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn của mình, để có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm...

Xuân Hương

Bình luận

ZALO