Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 05/10/2023 09:11 GMT+7

Gỡ khó cho người chăn nuôi

Biên phòng - Từ đầu tháng 5-2021, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như C.P, Cargill, Guyomarc’h-VCN, Vina, BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam... đã đồng loạt tăng giá bán. Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, giá gia cầm dưới giá thành sản xuất, động thái trên khiến người chăn nuôi điêu đứng, bởi chi phí sản xuất quá cao.

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thức ăn chăn nuôi tăng giá do giá các loại nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, bột cá... liên tục tăng từ tháng 10-2020 đến nay, lên đến 30-35%.

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ.

Giá thức ăn chăn nuôi chiếm trên 80% trong giá thành chăn nuôi, nên hệ lụy tăng giá tác động tiêu cực trực tiếp đến hộ chăn nuôi và kế hoạch tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm của ngành nông nghiệp. Chưa kịp gượng dậy sau cơn càn quét của dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, nông dân nhiều địa phương đã lâm vào tình cảnh thua lỗ suốt nhiều tháng qua, đối mặt nguy cơ phá sản bởi chi phí sản xuất quá cao.

Thực tế, so với thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi giảm gần 30.000 đồng/kg. Với giá thịt lợn hơi xuất chuồng ở mức dưới 70.000 đồng/kg, chỉ có doanh nghiệp chăn nuôi có lãi bởi họ chủ động được tất cả các khâu, còn người nông dân chỉ bù đủ chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi và chịu lỗ hoàn toàn chi phí truồng trại, thuốc thú y và nhân lực. Tính ra giá bán đã không đủ bù chi phí khiến nông dân càng nuôi càng lỗ, đành bán tống, bán tháo, thậm chí bị các thương lái ép giá.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi bức xúc, giá thịt lợn trong nước giảm còn có nguyên nhân từ nguồn thịt lợn đông lạnh nhập khẩu lớn. Trong quý I-2021, Việt Nam nhập khẩu gần 169.300 tấn thịt và sản phẩm từ thịt; riêng thịt lợn nhập khẩu là 34.650 tấn, tăng hơn 101% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Trong khi Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản với số lượng kỷ lục dẫn đến giá nguyên liệu tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng thêm 20% trong thời gian tới...

Nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi duy trì giá ở mức ổn định, đồng thời kiến nghị kéo dài Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đến hết năm 2021. Trong đó, hỗ trợ về kinh phí, vật tư, giống cho người nông dân áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi, quản trị chuồng trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu (hiện chiếm gần 80%) để chế biến thức ăn chăn nuôi như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu, rơm, cỏ xanh, bã sắn, cám gạo, vỏ tôm...

Để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững, về lâu dài, ngành nông nghiệp cần tăng nhanh diện tích thâm canh các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, bảo đảm mục tiêu tăng thêm từ 150-200 nghìn ha vào năm 2025. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến tự chủ sản xuất các chế phẩm phục vụ chăn nuôi như probioitic, enzim, thảo dược, các loại khoáng đa lượng, khoáng vi lượng..., giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO