Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:33 GMT+7

Gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch Covid-19

Biên phòng - Với chức năng là “trụ đỡ” của hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả từ Trung ương tới các địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.Ảnh: BHXH Việt Nam cung cấp

Chủ trương kịp thời, triển khai hiệu quả

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp và NLĐ. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp do dịch Covid-19 là 2,52%, trong đó, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đáng chú ý, khu vực lữ hành giảm tới 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%, 70.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Một số địa phương có lực lượng lớn lao động bị ảnh hưởng như: Thành phố Hồ Chí Minh với 1,6 triệu người, Bình Dương với 1,2 triệu người, tiếp đến là Long An, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang cũng bị ảnh hưởng lớn trong đợt dịch này.

Hiện nay, nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, một số dịch vụ, sản xuất, kinh doanh buộc phải đóng cửa đã tác động lớn đến đời sống của NLĐ.

Trước những khó khăn nêu trên, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp đó, ngày 7-7-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, ngày 8-7-2021, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 1988/BHXH-TST hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tiếp đó, ngày 9-7-2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trong toàn ngành để quán triệt, triển khai thống nhất, đồng bộ đến các doanh nghiệp, NLĐ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Mục tiêu đặt ra là tạo điều kiện tối đa, cắt giảm thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục hành chính. Cùng với đó, đảm bảo kinh phí chi trả cho đơn vị sử dụng lao động để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Thực hiện việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đến ngày 16-7-2021, đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến các đơn vị sử dụng lao động để hỗ trợ NLĐ phòng, chống dịch Covid-19.

Hơn 490.000 người lao động được hỗ trợ

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 26-8-2021, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 332 đơn vị với 57.491 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 395,3 tỷ đồng tại 43/63 tỉnh, thành phố. Hệ thống BHXH các cấp đã xác nhận danh sách cho 490.382 NLĐ của 23.347 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 351.863 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 41.999 NLĐ ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người; 42.618 NLĐ ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc...

Ngoài ra, đã có 34.884 NLĐ được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) và 18.123 NLĐ được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động)...

Với những kết quả đạt được, hiện nay, ngành BHXH đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và NLĐ như: Chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19; cải cách và rút gọn thời gian giải quyết các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68-NQ/CP xuống không quá 1 ngày làm việc; cung cấp các dịch vụ công liên quan đến hồ sơ thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm y tế trên Cổng dịch vụ công của ngành cũng như Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Đặc biệt, đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu kinh phí mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT...

Thùy Chi

Bình luận

ZALO