Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 12:33 GMT+7

Gỡ khó cho chăn nuôi

Biên phòng - Thời điểm này, lĩnh vực chăn nuôi phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu liên tục tăng cao.

Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: minh họa

Theo Cục Chăn nuôi, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng giá lần thứ 10 liên tiếp, tăng thêm 200-300 đồng/kg so với tháng 12-2021.

Khó khăn đang bủa vây người chăn nuôi, trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra gặp khó khăn và giá thành phẩm chăn nuôi giảm khi lượng nhu cầu thấp, do sức ăn của thị trường chưa được khôi phục hoàn toàn. Đơn cử giá thịt lợn hơi trong nước bình quân giảm từ 6.000-8.000 đồng/kg so với trước và trong Tết. Với giá cả bấp bênh như hiện nay, người nuôi rất khó có lãi, thậm chí lỗ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với cuối năm 2021. Trong đó, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, khô đậu nành tăng khoảng 16%, bắp tăng khoảng 9%... dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3-13%.

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới. Sản lượng ngô và đậu tương của Mỹ và các nước Nam Mỹ, nơi sản xuất nông sản lớn trên thế giới đều giảm sau giai đoạn hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Ngoài ra, giao tranh giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mì trên thị trường thế giới và Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, giá ngô và một số nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế về nguồn cung. Bởi, Việt Nam đang nhập khẩu 20% lượng lúa mì, 3% lượng ngô làm thức ăn chăn nuôi từ Nga và Ukraina; trên 50% lượng đỗ tương nhập khẩu từ thị trường Nam Mỹ.

Trước đà tăng phi mã của giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu từ ngày 30-12-2021 như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay, giá thức ăn chăn nuôi không những không giảm mà còn tăng cao, khiến người chăn nuôi từ nuôi lợn đến gia cầm, thủy sản đều rất chật vật.

Hiện, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vào khoảng 28-30 triệu tấn/năm, trong khi 85% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Trong năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 triệu tấn ngô, 2 triệu tấn đậu tương, tăng cả khối lượng lẫn giá, đưa nhóm sản phẩm chăn nuôi nhập siêu 2,96 tỷ USD. Chính vì thế, biến động giá nông sản thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu chi phí của ngành chăn nuôi trong nước.

Rõ ràng, nếu không có chính sách, giải pháp để hướng tới tự chủ nguồn thức ăn hoặc tận dụng các nguyên liệu trong nông nghiệp để thay thế, ngành chăn nuôi sẽ luôn rơi vào tình trạng bấp bênh, rủi ro.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rà soát lại nguồn cung, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, để ra các giải pháp phát triển các loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp, tránh tình trạng tăng giá sốc.

Sản phẩm nào phục vụ chăn nuôi sản xuất ra mà giá thành cao phải nghiên cứu thay thế bằng sản phẩm khác. Đơn cử, có thể sử dụng cám gạo để thay thế lúa mì, ngô nhập khẩu. Cám gạo là sản phẩm phụ của ngành xay xát lúa gạo, nên có nguồn cung khá dồi dào ở nước ta.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối..., đồng thời cơ cấu sản phẩm chăn nuôi theo hướng giảm tỉ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO