Biên phòng - Từ ngày 15-3, Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài như trước khi có đại dịch Covid-19. Sau hơn 2 năm, ngành du lịch phải chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do đại dịch, việc được quan tâm lúc này là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Hiện, Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và mở cửa du lịch không chỉ thân thiện, mà còn đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
Theo Tổng cục Du lịch, tính đến đầu tháng 3, sau gần 4 tháng thí điểm đón khách quốc tế, 9 tỉnh, thành phố đã đón được trên 10.000 khách quốc tế. Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Người Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Việc tất cả các địa phương đều được phép đón khách quốc tế được xem là dấu mốc quan trọng cho sự phục hồi của ngành du lịch. Tuy nhiên, các hãng lữ hành, cơ sở du lịch vẫn thấp thỏm khi đại dịch đang diễn biến phức tạp.
Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các điều kiện đơn giản, thông thoáng, Bộ Y tế vẫn lưu ý cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch.
Mặc dù người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng khách nhập cảnh hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi); khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.
Tuy nhiên, nhiều hãng lữ hành cho rằng, yêu cầu du khách không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh; xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng ngày; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD... đang làm giảm tính cạnh tranh các sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Thực tế, chương trình thí điểm đón khách quốc tế vừa qua không thành công vì điều kiện còn ngặt nghèo với hàng không, doanh nghiệp du lịch và cả du khách. Ngoài ra, giá thành của các sản phẩm du lịch tăng lên rất nhiều vì chi phí xét nghiệm Covid-19 và phòng chống dịch.
Các địa phương, doanh nghiệp quan ngại, nếu các chính sách chưa rõ ràng và còn nhiều điều kiện thì doanh nghiệp hàng không, du lịch chưa dám đầu tư để xúc tiến tới các thị trường. Các chuyên gia nhận định, thế giới đang bước vào giai đoạn mới của đại dịch, với phương châm “lạc quan thận trọng”. Một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới; nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách không yêu cầu xét nghiệm với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Do vậy, Việt Nam nên mở cửa du lịch một cách tự tin theo thông lệ thế giới và cần có tính cạnh tranh. Yêu cầu cách ly, xét nghiệm với du khách đến Việt Nam phải trên nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách Việt Nam. Mọi du khách nên được tham gia các hoạt động du lịch như nhau.
Các chuyên gia cũng kiến nghị khôi phục chính sách miễn thị thực. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ thì nay nên mở rộng mới thu hút được khách đến Việt Nam.
Ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch.
Đến nay, sau khi đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thanh Thảo