Biên phòng - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã đến với phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô ở các xã A Túc, A Xing, Thanh và Si (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Việc đồng hành không chỉ giúp phụ nữ cơm đủ no, áo đủ ấm, mà còn tạo cơ hội cho chị em thoát khỏi những “vòng kim cô định kiến”, tự tin tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương…

Có một thực tế đáng buồn vốn đã tồn tại từ rất lâu trong những gia đình người Pa Cô, Vân Kiều ở xã A Túc, A Xing, Thanh và Si đó là: Đàn ông làm chủ gia đình, nhưng phụ nữ lại là lao động chính. Điều bất cập trên có thể bắt nguồn từ tục “bỏ của” khi lấy vợ của người dân tộc thiểu số nơi đây. Đàn ông muốn lấy vợ phải có đủ tiền, lợn do nhà gái thách cưới và thết đãi họ hàng. Và thế, những chuỗi ngày sau đám cưới, người phụ nữ phải làm việc cật lực để trả nợ.
Người đàn ông đi làm nương về được nghỉ ngơi, uống rượu, còn phụ nữ lại bận bịu với việc lấy nước, giã gạo, thổi cơm, cho lợn, gà ăn... Có thể cũng bởi số tiền có được từ việc gả con gái rất hời, nên nhiều cha mẹ đã để con gái lấy chồng dù đang ở tuổi vị thành niên. Việc học lên cao, tham gia hoạt động xã hội, tham gia làm việc tại chính quyền địa phương của phụ nữ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Điều đó được thể hiện ngay trong thực tế ở các xã vùng cao biên giới này. Trong cả 4 xã A Túc, A Xing, Thanh và Si chỉ có duy nhất Phó Chủ tịch xã A Túc là nữ người địa phương. Còn lại, các chức danh Bí thư, Phó Bí thư hay Chủ tịch, Phó Chủ tịch, kể cả Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã, chi đoàn cũng là nam giới. Mọi người đôi lúc lại đùa với nhau rằng, nếu vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội LHPN mà đàn ông sẵn sàng đảm nhận thì phụ nữ cũng khó đến lượt.
Chị Hồ Thị Giờ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã A Xing bảo rằng, mình là một trong những phụ nữ may mắn ở đây. Nhà có 5 chị em, chị Giờ là con gái duy nhất. Chị bảo, chị may mắn hơn bạn bè cùng lứa, bởi mẹ chị - bà Hồ Thị Mó, nguyên là Chủ tịch Hội LHPN xã A Xing 3 nhiệm kì liền, nên bà luôn dành thời gian để “dạy dỗ” và “đầu tư” cho cô con gái duy nhất của mình. Mặc dù đi học muộn, học hết lớp 12, chị lấy chồng, sinh đứa con đầu lòng, chị đã gửi con cho bà ngoại để đi học Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Trở về địa phương, làm cô giáo, chị vẫn dành thời gian để học liên thông lên đại học. Bạn bè chị, đa số chỉ học hết lớp 9, sau đó đều bỏ học ở nhà lấy chồng sớm, quanh quẩn với việc làm nương, sinh con đẻ cái. Vất vả, thế nên giờ gặp lại, cùng tuổi nhưng già gấp đôi và đặc biệt là rất tự ti. Khi chúng tôi hỏi, tại sao chị lại không tiêp tục làm cô giáo mà làm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã để nhận mức phụ cấp chỉ bằng 1 nửa khi đi dạy học? Chị bảo: “Làm ở Hội Phụ nữ, tôi có cơ hội giúp đỡ chị em trong xã nhiều hơn”.
Trước những khó khăn của phụ nữ A Túc, A Xing, Thanh và Si, tháng 4-2018, Bộ Chỉ huy BĐBP và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn nơi đây triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên tuyến biên giới Quảng Trị. Trước ý nghĩa lớn lao của chương trình, đã có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị chung tay hỗ trợ để san sẻ gánh nặng với phụ nữ ở mảnh đất này. Đáng chú ý là Hội LHPN khối Công an, Quân sự và BĐBP đã tự nguyện đóng góp, kêu gọi các đơn vị kết nghĩa ủng hộ để có những món quà thiết thực giúp phụ nữ biên giới. Ngoài những món quà là nhu yếu phẩm thiết thực hằng ngày như gạo, mắm, muối, quần áo, thì các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng dành tặng sinh kế giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, như: Tặng nhà tiêu hợp vệ sinh, tặng bò giống sinh sản... Tất cả số quà trên bàn giao cho Hội LHPN các xã, chuyển đến từng chị em. Những hộ được tặng nhà sẽ được hỗ trợ công xây dựng, giám sát, bò giống sẽ được giúp đỡ kĩ thuật chăm sóc...
Thượng tá Cao Xuân Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết: Nhờ có Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, qua đó, giúp họ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống. Tuy nhiên, từ thực tế, tôi thấy phụ nữ nơi đây không chỉ gặp khó khăn về vật chất, mà họ còn phải chịu sự thiệt thòi về mặt tinh thần, đó là sự bất bình đẳng giới. Bởi vậy, thời gian tới, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cần có những hỗ trợ bằng việc nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, làm thay đổi cách suy nghĩ của mọi người về nữ giới. Đó là việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp học nghề hoặc tạo các mô hình phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho họ tham gia vào công tác xã hội.
Trúc Hà