Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Biên phòng - Hiện nay, việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy sau khi tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện phục hồi vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề việc làm. Vì vậy, tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm đối tượng này sẽ là giải pháp thiết thực không chỉ giúp họ giảm nguy cơ tái nghiện, ổn định cuộc sống, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội.

0wjyu6i5s3-23245_f_k4jjkeuw0_anh_1
Tạo công ăn việc làm giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: CTV

Tại nhiều địa phương, các mô hình việc làm cho người sau cai nghiện đã ra đời và hoạt động hiệu quả, như: Hà Nội, Quảng Ninh... Bên cạnh sự hỗ trợ, ưu đãi từ chính quyền địa phương, nhiều cơ sở sản xuất, công ty, với trách nhiệm xã hội của mình cũng đã tạo việc làm cho nhiều người sau cai nghiện có việc làm ổn định.

Tuy nhiên, ma túy thâm nhập vào nội địa từ biên giới ngày càng đa dạng và phức tạp, khó kiểm soát, nhiều loại ma túy tổng hợp dễ gây nghiện nhưng rất khó cai, cộng với thủ đoạn buôn bán lẻ tinh vi, dẫn tới tình trạng gia tăng số người nghiện mới. Từ đó, công tác phòng, chống ma túy nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Số người nghiện ma túy có tiền án, tiền sự đang cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy ngày càng tăng nên họ bất chấp luật pháp, không thực sự học tập, rèn luyện để làm lại cuộc đời.

Bên cạnh đó, quần chúng nhân dân có định kiến với người nghiện ma túy cộng với sự mặc cảm của người nghiện nên công tác cai nghiện phục hồi rất khó khăn và hiệu quả thấp. Đa số người nghiện đang chữa trị tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp, việc làm không ổn định. Do vậy, sau khi cai nghiện trở về gia đình người nghiện ma túy không tìm được việc làm phù hợp nên họ dễ bị kẻ xấu lôi kéo, sa ngã và tái sử dụng ma túy. Việc quản lý đối tượng sau cai nghiện tại các địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc phòng, chống tệ nạn ma túy chưa đồng bộ. Công tác hỗ trợ, quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức. Phần lớn đối tượng sau cai nghiện chưa được gia đình và cộng đồng quản lý, giúp đỡ, không có việc làm ổn định... Sự tham gia quản lý đối tượng sau cai nghiện của các đoàn thể và nhân dân còn hạn chế, chưa thường xuyên, sự lồng ghép giữa công tác cai nghiện, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện với các phong trào quần chúng và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, với mục tiêu tổ chức quản lý, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy để họ vừa thực hành nghề, vừa tham gia lao động sản xuất nhằm tiếp tục rèn luyện nhân cách trong môi trường thích hợp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái nghiện. Do vậy, gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình giúp người nghiện cai ma túy và tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh vai trò giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, mang lại động lực, niềm tin cho người cai nghiện, gia đình còn có vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ vốn, cũng như tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Do đó, thay đổi cách nhìn, thay đổi thái độ với người sử dụng ma túy là vô cùng cần thiết, chính quyền cũng cần tạo thêm việc làm, giúp người cai nghiện có những điều kiện thuận lợi, để tự tin hòa nhập trở lại với cộng đồng xã hội.

Để giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, các Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức khảo sát, nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của người sau cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, phân công quản lý, giám sát người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương cư trú, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ. Huy động được sự quan tâm tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và người dân trong việc giáo dục, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái nghiện.

Lê Đồng

Bình luận

ZALO