Biên phòng - Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Vĩnh Châu, BĐBP Sóc Trăng đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp người dân lén lút trồng cây cần sa trái phép. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này, hầu hết là do người dân chưa nhận thức được tác hại của cây cần sa. Để giúp người dân hiểu hơn tác hại của loại cây này, một mặt, lực lượng BĐBP Sóc Trăng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.
Thượng tá Đậu Ngọc Huy, Chính trị viên Đồn BP Vĩnh Châu cho biết: "Do nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn còn hạn chế, hơn nữa lại thiếu thông tin về cây cần sa và tác hại của nó nên thời gian qua đã có một số người dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, lén lút trồng loại cây này dưới nhiều hình thức khác nhau. Đa số họ cho rằng, loài cây này có tác dụng rất tốt trong việc điều trị một số bệnh cho gia cầm, gia súc và ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm... Tuy nhiên, đó chỉ là những tin đồn trong dân gian, trên thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng minh tác dụng của cây cần sa trong việc ngăn ngừa dịch bệnh cho gia cầm và thủy sản…".
Cũng chỉ vì nhận thức sai lệch về cây cần sa, trong một lần về tỉnh Bạc Liêu thăm người quen, ông Huỳnh Chiểu (SN 1969, dân tộc Hoa), trú tại khóm Vĩnh An, phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã tin lời một người lạ nhận khoảng 100 hạt giống cần sa mang về trồng, với mục đích lấy lá làm thức ăn cho gà để chống dịch bệnh gia cầm. Đầu tháng 1-2016, ông Chiểu đã đem số hạt này gieo lên thửa đất khoảng 20 mét vuông của gia đình. Đến khi cây xanh tốt, ông cũng làm theo đúng như hướng dẫn, tuy nhiên, gà nhà ông vẫn bị dịch bệnh và chết thường xuyên.
Thấy vườn ông Chiểu trồng loại cây lạ xanh tốt, nhiều người dân hiếu kỳ hỏi thăm thì ông chỉ nói loại cây này có tác dụng chữa bệnh dịch cúm gia cầm. Đến giữa tháng 4-2016, nhận được tin báo từ quần chúng, cán bộ Đồn BP Vĩnh Châu đã tiến hành tuần tra, kiểm soát và phát hiện hành vi trồng cây cần sa trái phép của ông Chiểu. Tại khu vườn nhà ông Chiểu, cán bộ Đồn BP Vĩnh Châu đã tiến hành lập biên bản và thu giữ 51 cây cần sa với trọng lượng 45kg trồng trái phép. Sau đó, Đồn BP Vĩnh Châu đã báo cáo lên cấp trên và ra quyết định xử phạt hành chính ông Chiểu với số tiền 4 triệu đồng và bắt ông làm cam kết không được tái phạm.
Nhớ lại vụ việc trên, ông Chiểu cho biết: "Lúc đầu, tôi cũng không biết việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ đơn giản, mình trồng cây này trong khu vườn nhà, với mục đích làm thuốc chữa bệnh cúm, dịch cho gia cầm, thì làm gì phạm pháp. Tuy nhiên, một lần vô tình được xem một chương trình truyền hình, tôi biết được cây cần sa là loại cây chứa chất ma túy có hại và Nhà nước cấm không cho trồng. Vì thế, sau khi được cán bộ Đồn BP Vĩnh Châu phát hiện, xử lý cũng như tuyên truyền về tác hại của cây cần sa, tôi đã chủ động phá bỏ và chấp hành xử phạt vi phạm theo pháp luật. Hiện nay khu đất trồng cần sa đã được tôi trồng nhãn thay thế, loại cây này hiện cho giá trị kinh tế rất tốt".
Không chỉ có ông Chiểu, ông Thạch Đil (SN 1966, dân tộc Khmer), trú tại khóm Sở Tại B, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, cũng chia sẻ, do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, hơn nữa, thiếu thông tin về tác hại của cần sa nên gia đình ông đã trồng trái phép loại cây gây hại này và vi phạm pháp luật mà không hay biết. "Tôi nghe mọi người bàn tán trồng cây cần sa có thể dùng làm thuốc kháng khuẩn và chữa cho tôm nhiều loại bệnh. Mới đầu, tôi cũng không tin, nhưng do vụ nuôi tôm trước, gia đình bị thiệt hại nặng nề, vì thế tôi tò mò trồng thử với suy nghĩ: Biết đâu lại chữa bệnh cho tôm được thật, nếu không chữa được thì cũng không nguy hại. Sau này, khi bị lực lượng BĐBP phát hiện và xử lý, tôi mới hiểu được tác hại của nó, cũng như sự thiếu hiểu biết của mình dẫn đến việc vi phạm pháp luật mà không hay biết. Có lẽ bài học đắt giá của tôi sẽ giúp ích cho nhiều người dân khác, tránh xa loại cây có hại này", ông Đil cho hay.
Thiếu kiến thức, ít hiểu biết pháp luật chính là lý do đẩy ông Đil, ông Chiểu và rất nhiều người dân khác vào việc lén lút trồng trái phép cây cần sa, vi phạm pháp luật. Thậm chí, nhiều người khi bị pháp luật xử lý cũng chưa hiểu hết tác hại nguy hiểm của loại cây này. Thực chất, cần sa (có tên gọi là cannalis sativa) hay còn gọi là bồ đà, chứa chất Tetrahydrocannabinol có tác dụng gây nghiện, gây kích thích và tạo ra ảo giác. Nếu sử dụng loại cây này lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tâm thần, trầm cảm, tim mạch…
Được biết, từ tháng 8-2015 đến nay, Đồn BP Vĩnh Châu phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Sóc Trăng đã phát hiện và bắt giữ 3 vụ lén lút trồng cây cần sa trái phép, tang vật thu gần 60kg cây cần sa tươi, xử phạt hành chính 8,5 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số lượng cây cần sa trên theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương rà soát để phát hiện tình trạng trồng, tái trồng cây có chứa chất gây nghiện trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh. Các đơn vị Biên phòng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, hướng dẫn bằng hình ảnh để bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người hiểu được tác hại nguy hiểm của cần sa và các đặc điểm của loại cây này, các quy định của pháp luật về cấm trồng, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép các sản phẩm từ cây cần sa để người dân tự giác thực hiện. Đến nay, tất cả các hộ dân trên địa bàn Vĩnh Châu đã ký cam kết không trồng cây có chứa chất gây nghiện và tích cực phát hiện, tố giác những người trồng loại cây này cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý nghiêm minh…
Hồ Phúc