Biên phòng - Trên cơ sở tìm hiểu rõ hoàn cảnh thực tế các gia đình khó khăn tại địa phương, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, BĐBP Nghệ An sẽ chọn phương án hỗ trợ phù hợp nhất. Cách làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã giúp đỡ nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Sau một vụ rau thành công, hiện nay, gia đình ông Lô Văn Thái đang làm đất để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Những mảnh ruộng bậc thang được quy hoạch phù hợp nhiều năm nay đã cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định, thoát khỏi hộ nghèo của bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Nói về hành trình thoát nghèo của gia đình, ông Lô Văn Thái cho biết: “Gia đình có được như ngày hôm nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã hỗ trợ ngày công, giống cây, kỹ thuật chăm sóc để phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng”.
Những năm trước đây, gia đình ông Lô Văn Thái thuộc diện hộ nghèo của bản Hạnh Tiến. Diện tích đất rộng nhưng do không biết cách sản xuất, lại thiếu vốn nên thu nhập của gia đình ông luôn bấp bênh. Trăn trở với cuộc sống khó khăn của người dân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã tìm phương pháp phù hợp hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Trong đó, xác định việc hỗ trợ ngày công, chọn phương pháp sản xuất và kỹ thuật chăm sóc là biện pháp trọng tâm.
Thiếu tá Lê Văn Thơm, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch là người được đơn vị giao phụ trách giúp gia đình ông Thái phát triển kinh tế. Vốn là người từng quen với công việc của nhà nông, cộng thêm những kinh nghiệm anh tích lũy được trong nhiều năm công tác ở địa bàn biên giới, Thiếu tá Lê Văn Thơm nhanh chóng trở thành một khuyến nông viên của gia đình ông Lô Văn Thái. Với sự hợp sức của quân và dân, trên từng thửa ruộng, nương rẫy của gia đình đã bắt đầu xuất hiện màu xanh của cây cối.
Để có cơ sở phát triển kinh tế lâu dài, Thiếu tá Lê Văn Thơm đã vận động gia đình ông Thái trồng rau sạch. Đầu tiên, anh đề xuất đơn vị hỗ trợ nhân công làm đất, còn giống rau anh về tận quê nhà ở Diễn Châu, Nghệ An lựa chọn đưa lên trồng. Mùa đầu tiên, anh chọn giống cây bắp cải, do đây là giống cây chịu được lạnh, dễ bảo quản khi thu hoạch. Được trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ rau đã cho gia đình ông Thái thu nhập tiền triệu sau thu hoạch. Ông Lô Văn Thái chia sẻ: “Gia đình chỉ quen làm theo kinh nghiệm từ xưa thôi, không hiểu kỹ thuật lắm. Vợ chồng tôi đã cao tuổi, nhờ các chú Biên phòng vô giúp làm đất. Chú Thơm mua giống, hướng dẫn kỹ thuật cho gia đình trồng, cách chăm sóc để thu hoạch đạt năng suất hiệu quả hơn”.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khi đã có những đồng vốn ban đầu, Thiếu tá Lê Văn Thơm đã vận động gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Từ chỗ là một gia đình nghèo, sau 4 năm có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, nhất là Thiếu tá Lê Văn Thơm, gia đình ông Lô Văn Thái đã thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình kinh tế của gia đình ông trở thành mô hình mẫu trong phát triển kinh tế gia đình ở bản Hạnh Tiến. Nhân dân trong bản cũng đã học theo mô hình của ông Thái để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Thiếu tá Lê Văn Thơm cho biết: “Bước đầu, người dân không biết làm, chưa quen, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc. Sau thời gian 1-2 năm hướng dẫn từ làm đất, thu hoạch, cất giống cho vụ mùa sau, gia đình ông Thái đã thuần thục và tự sản xuất”.
Ngoài Thiếu tá Lê Văn Thơm, hiện nay, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã triển khai 30 đảng viên phụ trách 139 gia đình ở địa bàn 2 xã Hạnh Dịch và Nậm Giải thuộc huyện Quế Phong. Bao nhiêu hộ nghèo, hộ nào thiếu đất sản xuất, hộ nào thiếu vốn, hộ nào cần giúp đỡ, đều được các đảng viên lên kế hoạch trước mắt và lâu dài.
Thiếu tá Phan Nhật Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hạnh Dịch cho hay: “Để có cơ sở giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản tiến hành khảo sát tình hình, hoàn cảnh các gia đình. Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định các hộ gia đình cần gì, thiếu gì và đầu tư sản xuất cái gì sẽ hiệu quả. Sau khi nắm bắt được tâm tư của người dân, từng cán bộ, đảng viên báo cáo lên đảng ủy, từ đó cân đối các nguồn lực để tiến hành hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Cách làm này đã giúp nhiều gia đình trên địa bàn biên giới thoát nghèo bền vững”.
Với cách hỗ trợ cho mượn “cần câu” thay vì cho “con cá” của các đảng viên Đồn Biên phòng Hạnh Dịch thông qua các mô hình để hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo đã giúp các hộ nghèo tự phấn đấu thoát nghèo. Và trong số những hộ đã thoát nghèo gần như có rất ít hộ tái nghèo.
Hải Thượng