Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Giúp đồng bào tìm giải pháp phát triển kinh tế, tự chủ lương thực để vượt qua khó khăn do dịch bệnh

Biên phòng - Không chỉ kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình còn giúp người dân phát triển kinh tế, tự chủ lương thực. Với cách làm này, người dân bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã từng bước ổn định cuộc sống dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo giúp người dân cày ruộng vụ Hè Thu 2021. Ảnh: Đức Hợp

Cây lúa nơi cuối trời biên cương

Buổi tối, bản Ka Ai rực sáng giữa rừng biên giới nhờ công trình “Ánh sáng vùng biên” do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo vận động mạnh thường quân xây dựng, trị giá 100 triệu đồng. Những cột điện được làm bằng trụ thép, bóng điện công suất lớn được kéo từ đường 12 Quyết Thắng chạy theo con đường quanh bản Ka Ai. Khi chúng tôi thắc mắc, đã là giữa tháng 6 mà sao người Khùa ở đây mới bắt đầu vụ Hè Thu, ông Cao Xuân Xiêm, trưởng bản Ka Ai lý giải về điều này: “Nằm sát biên giới Việt - Lào, thời tiết ở Ka Ai mang nét pha trộn nửa Lào, nửa Việt. Bởi vậy mà vụ mùa ở đây thường chậm hơn so với đồng bằng khoảng nửa tháng. Được cái là cây lúa vẫn được chăm bón đúng kỹ thuật, xuống phân bón đúng thời điểm, vậy nên năng suất vẫn đảm bảo. Đối với người Khùa ở Ka Ai, cây lúa nước mở ra lối canh tác mới, thay thế cho cây lúa rẫy. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong gieo trồng nên lượng thóc thu được nhiều hơn hẳn. Bởi thế mà người Ka Ai không còn mấy người trồng lúa rẫy”.

Vì lúa chín muộn nên ngay sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo thì đồng bào Khùa lại bắt tay ngay vào gieo cấy vụ Hè Thu. Mấy ngày nay, trên cánh đồng lúa nước ở Ka Ai không khí rộn rã chẳng khác gì một nông trường nhỏ. Máy bơm hoạt động hết công suất, bơm nước từ suối Ka Ai lên ruộng để bộ đội đưa máy xuống ruộng cày, bừa, phay lòng. Trưởng bản Cao Xuân Xiêm bảo: “Dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ trở nên khó khăn thế nhưng, chúng tôi xác định càng khó khăn càng phải nỗ lực. Cần tận dụng những gì mình đang có, thậm chí lấy đó làm thế mạnh để vượt qua khó khăn. Diện tích lúa năm nay được canh tác tối đa, mọi thứ làm kĩ hơn, đầu tư nhiều hơn để cho năng suất cao nhất. Nhà có thóc gạo rồi thì sẽ yên tâm nhiều hơn”.

Người bận nhất có lẽ là Thiếu tá Hoàng Thế Minh vì cả tháng nay, anh tất tả với bà con ở Ka Ai. Là y sĩ phụ trách Trạm quân dân y kết hợp Bãi Dinh (nằm trên địa bàn bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa) nhưng cũng là đảng viên tham gia sinh hoạt tại Chi bộ bản Ka Ai nên việc gì của bản anh đều tham gia. Ở biên giới Cha Lo, người lính quân y không chỉ khám chữa bệnh mà còn “cầm tay, chỉ việc” cho bà con cày cấy.

Thiếu tá Hoàng Thế Minh chia sẻ: “Là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn Ka Ai, tôi luôn xác định và đặt tâm thế là một thành viên của bản, công việc của bản cũng là của chính mình”. Vào ngày mùa, Thiếu tá Hoàng Thế Minh luôn là người ra ruộng sớm nhất lại là người về muộn nhất. Anh chia sẻ: “Bên cạnh kêu gọi hỗ trợ giúp bà con vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, chúng tôi động viên bà con phải tự lực, tự túc. Bản Ka Ai là bản duy nhất có diện tích lúa nước lớn, canh tác tập trung lại có sự hỗ trợ của BĐBP bởi vậy cần phát huy điều đó để làm đầu tàu, gương mẫu cho nhân dân ở các bản khác”.

Những cánh đồng hợp tác

Đã gần 10 năm kể từ khi người Khùa ở Ka Ai lần đầu tiên canh tác lúa nước, từ khi được BĐBP “cầm tay, chỉ việc”, chuyển giao kỹ thuật nên những việc ngâm ủ giống, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, gặt, phơi, bảo quản lúa, người dân đã từng bước làm chủ. Những ngày này, trên cánh đồng lúa nước ở Ka Ai, những người lính Biên phòng trong trang phục rằn ri, từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối luân phiên nhau ngồi máy cày, chỉ giải lao khi cần cho máy nghỉ. Nhìn màu đỏ của đất lấm lem bộ quân phục, trên gương mặt của người lính mà sao đẹp lạ thường. Một số thanh niên trong bản đến “giúp” cũng là để “học việc” với mong muốn một ngày nào đó có thể điều khiển máy, cày thửa ruộng của chính mình.

Khi đàn ông trong bản cùng BĐBP bơm nước, cày ải, bừa đất thì phụ nữ ngâm ủ giống. Đây cũng là thời gian mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phải theo sát, bởi nếu không đúng kỹ thuật, tỷ lệ nảy mầm của lúa giống thấp sẽ không đủ gieo. Việc ủ ngâm phải đúng ngày để mầm không lên quá cao, sẽ bị gẫy khi gieo. Khi rễ lúa đã bén vào bùn, bộ đội lại nhắc nhở bà con đi giặm, rồi kiểm tra thời điểm làm cỏ và bón phân. Mọi khâu phải sâu sát để đảm bảo duy trì năng suất lúa luôn đạt 3,5-4 tấn/ha.

Cứ thế, một năm 2 vụ lại thêm các nguồn thu nhập khác nên bản Ka Ai chưa có hộ giàu nhưng đã không còn hộ đói. Chị Hồ Thị Khánh chỉ vào chục bao thóc được xếp trong góc nhà, vui vẻ nói: “Thóc thu được từ vụ Đông Xuân của nhà tôi đấy. Chưa kịp cất lên gác vì lúa năm nay thu hoạch muộn nên gặt, tuốt, phơi thóc, đóng bao xong thì lại bắt đầu vụ Hè Thu. Năm nay lúa tốt, bông nhiều hạt. Cứ thế này thì không còn bị đói như trước đây nữa”.

Tháng 6 cũng là thời gian đồng bào Khùa ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bắt đầu gieo hạt cho mùa vụ mới. Trên cánh đồng lúa nước hình ảnh quân dân nơi biên giới Cha Lo háo hức, phấn khởi trong ngày xuống giống, chúng tôi đã có thể hình dung ra ngày mùa bội thu sẽ lại về với bản nhỏ biên cương. Rõ ràng, khó khăn của cuộc sống thường ngày vẫn còn nhiều nhưng nhờ có sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, mọi người đều tin rằng khó khăn rồi sẽ lùi lại phía sau, cuộc sống ấm no sẽ về trên dải đất biên cương này.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO