Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Giúp đỡ những mảnh đời lầm đường, lạc lối trở về

Biên phòng - Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai bám sát nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, BĐBP đã tuyên truyền, vận động người dân địa phương không nghe bọn xấu vượt biên trái phép, giúp đỡ những người vượt biên lạc bước trở về hòa nhập cộng đồng, vươn lên thoát nghèo, tham gia xây dựng, bảo vệ đường biên, cột mốc, được đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên cảm phục, tin yêu.

Bài 1:  “Thiên đường” chính là quê hương

Hơn 5 năm trước, khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai có nhiều điểm nóng phức tạp, nhiều người nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục tham gia gây rối, vượt biên trái phép qua biên giới. Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang tỉnh và BĐBP Gia Lai, nhiều người dân lầm lỗi, lạc bước đã trở về hòa nhập với cộng đồng, đoàn kết, chung sức xây cuộc sống mới.

Bước qua sóng gió, bà con vùng biên giới huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông của tỉnh Gia Lai giờ đây không chỉ tìm lại cho mình nhịp sống yên bình, mà đáng mừng hơn, vùng quê này đang ngày càng phát triển nhanh về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.

hq9m_17
Niềm vui của ông Ksor Thích khi gặp lại cán bộ BĐBP Gia Lai. Ảnh: Quang Hồi

Đại tá Vũ Trọng Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: “Gia Lai có đường biên giới dài 90km tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Khu vực biên giới của tỉnh hiện có 7 xã, hơn 40 thôn, làng và có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống. Lợi dụng địa hình phức tạp, đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt..., bọn phản động ngoài nước đã móc nối với các phần tử xấu, lừa bịp, xúi giục, kích động một số bà con DTTS tụ tập thành các “điểm nóng”, vượt biên trái phép qua biên giới, làm cho tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở đây có lúc diễn biến phức tạp. Để biên giới bình yên, phát triển, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp, phương án phù hợp, chủ động phối hợp với các lực lượng quân sự, công an và huy động nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát biên giới; làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, đoàn kết, phối hợp với lực lượng vũ trang của nước bạn Campuchia để cùng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Đặc biệt, phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả tình hình vượt biên trái phép, vận động những người đang ở trong các trại tị nạn trở về quê hương, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng”.

Một ngày đầu năm, chúng tôi đến vùng biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai), quang cảnh ở đây bình yên đến lạ. Những con đường trong làng sạch đẹp, nhà cửa cao ráo, khang trang, cây cối tốt tươi, trù phú. Mười mấy năm đã trôi qua, nhưng trong sâu thẳm ký ức, anh Rơ Ma Hly (40 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở làng Cúc, xã Ia O, vẫn chưa quên chuỗi ngày lầm lỡ anh từng trải qua. Sáng sớm một ngày đầu năm 2004, Hly thấy một số người dân trong làng tụ tập, kéo nhau ra xã, chưa hiểu rõ sự tình ra sao, nhưng vì tò mò, Hly cũng chạy theo...

Những ngày sau đó, dù có lên rẫy trồng điều, thu mì (sắn), hay ở nhà với vợ con, thì cũng có mấy đối tượng xấu bám theo “nhỏ vào tai”: “Mày phải trốn sang Campuchia nhanh kẻo công an đến bắt, mà qua đó được người đón đưa sang Mỹ sinh sống sướng lắm; không chỉ mày mà công an còn bắt, đánh và bỏ tù cả vợ con mày nữa vì hôm trước, mày có tham gia trong nhóm biểu tình”.

Thế là, mỗi ngày trôi qua, mỗi đêm thức giấc, nỗi sợ bị bắt, bỏ tù càng lên cao và đeo bám lấy Hly. Đến tháng 2-2005, Hly đã cùng vợ con lén lút xuống sông Pô Cô lấy trộm một chiếc thuyền rồi bỏ trốn. Gần 2 năm sống chui lủi trong rừng, rồi bị đưa vào trại sống khổ cực như tù nhân. Khổ cực đến thế, nhưng khi nghe người ta nói, “sinh con trong trại, được ưu tiên đi Mỹ, đi Australia...”, thế là vợ Hly lại sinh thêm một cháu. Mỹ, Australia đâu không thấy, chỉ thấy đói khát, tù tội, khổ cực. Đến cuối năm 2016, được BĐBP Gia Lai, chính quyền địa phương thông qua người thân vận động, Hly đã cùng vợ con tình nguyện trở về.

Gặp lại “người quen”, anh Pui Quý (47 tuổi, dân tộc Gia Rai) ở làng Bang, xã Ia Chía, huyện Ia Grai đã bỏ cuốc đất vườn để giải lao, đưa khách vào nhà lai rai chút hương rượu cần dịu ngọt mà chính bàn tay mình làm lấy. Quý nói: “Ngày trước, vì nhẹ dạ, cả tin nghe bọn phản động FULRO dụ dỗ, lừa bịp nên vợ chồng mình đã lén bán mấy con bò và một số đất đai vườn tược, lấy tiền nộp cho bọn chúng để vượt biên trái phép sang Campuchia; mong được tới Mỹ, hưởng cuộc sống sung sướng, không làm cũng có ăn... Nhưng thực tế, gần một tháng đói khát lang thang, suýt mất mạng trong rừng, một năm chuyển đổi “trại tù” đến ba lần tại Phnôm Pênh. Cơm không đủ no, bệnh tật không thuốc uống, mà còn bị đánh đập, hắt hủi. Thương mình và gia đình, BĐBP Gia Lai đã đến từng gia đình, người thân để vận động, động viên, hướng dẫn qua điện thoại, nhắn tin để trở về”.

Cùng cảnh ngộ với Hly, Pui Quý, Ksor Thích... ở vùng biên giới Ia Grai, còn có Siu H,Thúy, Rơ Man Mon, Rơ Lan Péch... ở Đức Cơ; Rơ Mah Bui, Ksor Long, Siu Huynh... ở Chư Prông, cùng hàng trăm người nhẹ dạ cả tin khác. Được vận động và trở về trong vòng tay bao dung của dân làng, sự khoan hồng, tạo điều kiện giúp đỡ của chính quyền, hiệu quả “tiếp sức” từ các mô hình kinh tế của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15, lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai nói chung, BĐBP tỉnh nói riêng, những người vượt biên sang Campuchia, Thái Lan trở về đang tích cực hòa nhập cuộc sống với bà con thôn làng, mà theo họ “tự do, hạnh phúc, sung sướng” chỉ có ở quê hương, thiên đường và “miền đất hứa” không đâu xa mà chính là gia đình và quê hương của mình.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ tưởng về cuộc sống sung sướng, giàu sang mà không cần lao động ở nước ngoài như bọn xấu rêu rao, lừa gạt. Đặc biệt, tất cả số người trở về đều tham gia các Tổ tự quản, tích cực vận động dân làng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố tình đoàn kết quân dân và tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với nước láng giềng.

Bài 2: Đất mới hồi sinh

Lê Quang Hồi

Bình luận

ZALO