Biên phòng - Đứng chân trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng - đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới đã luôn gần dân, gắn bó với nhân dân, sát cánh với nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của mình, các chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi đây đã và đang xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.
Cảm ơn các anh Biên phòng nhiều lắm!
Giờ đây, gia đình chị Hoàng Thị Heo, ở xóm Lũng Phiắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đã yên tâm hơn với hành trình thoát nghèo mà Đồn Biên phòng Đàm Thủy đang hỗ trợ. Chị Hoàng Thị Heo có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng chị mất sớm, để lại mình chị nuôi 2 con nhỏ, bản thân thì thường xuyên ốm đau. Kinh tế gia đình chị chủ yếu trông vào mấy mảnh nương trồng ngô và trồng lúa, thu nhập không ổn định. Hàng năm, chị cố gắng lắm cũng chỉ lo đủ ăn rau cháo qua ngày, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Để giúp gia đình chị phát triển kinh tế, tháng 2/2022, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã hỗ trợ lợn giống (nái) và đến nay đã sinh sản được 1 lứa gồm 7 con, khoảng trên 25kg/con. Nhìn đàn lợn đang lớn dần, chị Heo xúc động nói: “Cảm ơn các anh Biên phòng lắm, từ lứa lợn này, gia đình tôi sẽ có thêm chút vốn, thêm lợn con để nuôi thả nhiều hơn, việc làm ăn chắc chắn sẽ tốt hơn”.
Gia đình chị Hoàng Thị Heo chỉ là một trong số rất nhiều gia đình nghèo, khó khăn ở 2 xã Đàm Thủy, Chí Viễn (huyện Trùng Khánh) đang được Đồn Biên phòng Đàm Thủy hỗ trợ để vượt qua đói nghèo, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đồn Biên phòng Đàm Thủy đóng quân trên địa bàn cụm xã Chí Viễn và Đàm Thủy - nơi sinh sống của bà con 4 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao. Đơn vị quản lý, bảo vệ gần 19km đường biên giới, trong đó, có hơn 17,5km biên giới trên đất liền, gần 1,5km trên sông và 60 mốc quốc giới. Nhắc đến vùng đất này, ai cũng nghĩ đến sự khó khăn, phức tạp về an ninh, trật tự, nổi cộm lên những vấn đề như nạn tảo hôn, nghiện hút, trộm cắp... Do đời sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa, trình độ sản xuất còn thấp, nên đến nay, xã Chí Viễn vẫn còn hàng trăm hộ nghèo và trên 200 hộ cận nghèo; xã Đàm Thủy còn trên 80 hộ nghèo và hơn 20 hộ cận nghèo. Làm sao để giúp người dân thay đổi cuộc sống, thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhân dân mà Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã xây dựng luôn là trăn trở của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy thời gian qua.
Gần dân để giúp dân xóa đói nghèo
Triển khai thực hiện mô hình “Giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, những năm qua, Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã Đàm Thủy, Chí Viễn cung ứng kịp thời hàng tấn giống ngô, giống lúa mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao để bà con đưa vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức được rất nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, ngô, chăn nuôi với trên 2.000 lượt người tham gia.
Trung tá Lý Văn Chạn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết: "Đơn vị chú trọng tổ chức học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và tổ chức thực hiện theo phương châm: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”; “Sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; “Thực tâm, thực chất, hiệu quả”.
Kết quả, trong năm 2022, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã triển khai lực lượng bám nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân được 126 buổi; giúp dân di dời chuồng trại, thu hoạch vụ mùa được 24 buổi và hỗ trợ 6 triệu đồng giúp 3 hộ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; tham gia phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ xã Đàm Thủy giúp 2 hộ xóa nhà dột nát... Đơn vị còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiên cố hóa được 9 kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 11.000m và 2 đập chứa nước phục vụ cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp...
Vơi sự hỗ trợ tận tình, cầm tay chỉ việc, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp bà con tiếp cận với kinh tế thị trường của các chiến sĩ quân hàm xanh mà các thế mạnh kinh tế của Đàm Thủy, Chí Viễn đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Bà con nơi đây đã mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi, đưa nhiều giống lúa, ngô, lạc mới vào gieo trồng. Đàn trâu, bò của 2 địa phương đều tăng từ 7% đến gần 20%; nhiều hộ gia đình trước đây chỉ nuôi từ 1 đến 2 con lợn, nay đã chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa với mô hình gia trại từ 10 đến hàng trăm con lợn. Bà con các dân tộc ở đây đã đọc vanh vách tên các giống lúa mùa 838, Q.Ưu số 1, San ưu quế 63... rồi giống lúa xuân Q63; giống ngô k54, CP999, NK66, CP888... vốn trước đây họ chưa từng biết đến. Nay, nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy hướng dẫn, đã trở thành những cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con dần thoát nghèo một cách bền vững. Nhiều hộ vươn lên có kinh tế khá giả.
Trung tá Lý Văn Chạn cho biết thêm, năm 2023, đơn vị tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động hướng về biên giới. Tham mưu, phối hợp với các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu năm nay của Đồn Biên phòng Đàm Thủy là giúp đỡ 1 hộ gia đình trở lên thoát nghèo bền vững; vận động, giúp đỡ 5-7 hộ di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, tham gia xóa từ 1-2 nhà tạm, nhà dột nát; tiếp tục thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng"; xây dựng, nhân rộng và đẩy mạnh thực hiện các mô hình “Thôn, bản không có ma túy”, “Thôn, bản không có tội phạm”, "Thôn, bản không có hôn nhân cận huyết thống”.
Diện mạo 2 xã biên giới Đàm Thủy, Chí Viễn đang ngày càng thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, đời sống bà con các dân tộc cũng đang ngày càng cải thiện, số hộ nghèo ngày càng giảm, cái đói, cái lạc hậu cũng không còn tồn tại. Để có được kết quả đó thì sự chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương của Đồn Biên phòng Đàm Thủy đóng vai trò hết sức quan trọng. Các anh đã và đang xây nên thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, làm đổi thay cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây.
Phương Loan