Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Giữ vững vị thế cho doanh nghiệp nội địa

Biên phòng - Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.

Ảnh: minh họa

Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập niên và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy mạnh mẽ.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ mới đây cho thấy, 53,8% đơn vị bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch; 91,7% số doanh nghiệp tin tưởng triển vọng kinh doanh năm 2023 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.

Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng tiêu dùng của các nước như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… với quy mô ngày càng lớn và trên nhiều kênh phân phối khác nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang cạnh tranh rất mạnh mẽ, quyết liệt để thâm nhập và phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp FDI đóng góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp và chiếm gần 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại.

Trong bối cảnh này, để nâng cao vị thế, doanh nghiệp “nội” không còn con đường nào khác ngoài thay đổi tư duy, kịp thời đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với biến động đang diễn ra liên tục của thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 3 năm đại dịch, xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi khá rõ nét. Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi nơi có sản phẩm đảm bảo chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn ngày càng được ưa chuộng và trở thành điểm đến mua sắm yêu thích của người tiêu dùng.

Trong sự phát triển sôi động của thị trường bán lẻ hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cạnh tranh thị phần khá khốc liệt với các doanh nghiệp lớn (hầu hết là doanh nghiệp FDI) đang chiếm lợi thế nhờ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Bộ Công thương khuyến nghị, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng trong phương thức mua sắm đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước phải thay đổi phương thức tổ chức để giữ được thị phần, giữ được lợi thế “sân nhà”, trước mắt là tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng.

Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, cùng với những kênh bán hàng truyền thống, nhà bán lẻ cần khẩn trương chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật nhanh nhạy ứng dụng thương mại điện tử, khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử...

Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải gia tăng hệ thống data dữ liệu, hệ thống khách hàng; đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động thương mại, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, chú trọng đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân sự để nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức mình.

Thiết nghĩ, để nâng cao vị thế của doanh nghiệp nội địa, giữ được thị phần như hiện nay không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua tạo dựng thương hiệu và uy tín, văn hóa doanh nghiệp; tạo cơ hội cho doanh nghiệp “nội” tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh; tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh.

Cùng với đó, các hệ thống bán lẻ cần chủ động kết nối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng về số lượng, đa dạng hóa sản phẩm và chất lượng, hướng tới sự bền vững của toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO