Biên phòng - Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, những năm qua, Đảng ủy BĐBP luôn chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội nhằm nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ trước xu thế hội nhập quốc tế, khi mà các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa Quân đội” trong điều kiện nhiệm vụ của BĐBP có sự phát triển mới, đặt ra những yêu cầu ngày càng cao. Qua đó, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ, đảng viên có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bài 1: Giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thời kỳ 4.0
Bài 2: Giữ vững phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”
Sơ kết công tác Biên phòng 6 tháng đầu năm 2019, cùng với việc biểu dương những thành tích và kết quả đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng, trong đó có những nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP cũng chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm của các đơn vị và khẳng định: Các cá nhân, tập thể nào sai phạm đến đâu thì xử lý đến đấy, đúng với khuyết điểm, kiên quyết không có vùng cấm, không bao che. Cùng với việc kiên quyết xử lý các vụ vi phạm, thì một yêu cầu bức thiết đặt ra trong BĐBP hiện nay là công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đổi mới như thế nào để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, của đơn vị, nhằm tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn lực lượng để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao và hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm.

Trước hết, phải khẳng định, thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” (2013-2018) trong BĐBP và hiện nay đang thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2023, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các nội dung, hình thức, biện pháp công tác giáo dục chính trị. Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị, cũng như các nội dung cốt lõi của đề án, đặc biệt là đổi mới chương trình, nội dung, hình thức giáo dục sao cho phù hợp với thực tiễn tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ của BĐBP.
Đảng ủy BĐBP đã ra Chỉ thị số 561-CT/ĐU ngày 4-7-2014 cụ thể hóa việc “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” trong BĐBP và chỉ đạo tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 119-NQ/ĐU ngày 18-8-2011 của Đảng ủy BĐBP về “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong BĐBP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới”; giao Cục Chính trị tổ chức hướng dẫn làm điểm thực hiện Đề án tại BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu và BĐBP Lạng Sơn để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong toàn lực lượng, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.
Các đơn vị trong toàn lực lượng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của Đảng ủy BĐBP, xác định đúng đắn vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của công tác giáo dục chính trị tại đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đề án phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế của đơn vị; phân công và gắn trách nhiệm của cấp ủy viên phụ trách nội dung giáo dục chính trị của đơn vị với thực hiện đề án. Do đó, các đơn vị đã xây dựng được hệ thống giáo án sát yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của đơn vị và địa bàn. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương biên soạn nội dung giáo dục truyền thống, tình hình nhiệm vụ của đất nước, Quân đội, BĐBP và địa phương (theo dạng hỏi-đáp).
Nội dung chủ yếu tập trung vào giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội; đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; đối tượng tác chiến của Quân đội; tiêu chí về phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác đối với BĐBP. Trong đó, kết hợp giáo dục chính trị, giáo dục lịch sử, truyền thống, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tọa đàm, giao lưu văn nghệ, hành quân về nguồn với duy trì nền nếp ngày pháp luật, ngày chính trị văn hóa tinh thần; gắn công tác giáo dục với công tác thi đua khen thưởng. Đồng thời, xây dựng và duy trì thực hiện các quy chế, quy định của cấp ủy, tổ chức Đảng; trách nhiệm nêu gương của cấp ủy viên, cán bộ chủ trì cũng như tiêu chí phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong BĐBP.
Song song với việc quán triệt, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nghị quyết, chỉ thị của trên, các đơn vị đã chú trọng đến công tác kiểm tra, đôn đốc, duy trì nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần; kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữa giáo dục chung với giáo dục riêng và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong cơ quan đơn vị, nêu cao tính tự quản, tự rèn của cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với đó, đơn vị cũng làm tốt công tác phối hợp giữa cấp ủy, chỉ huy đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình để nắm, quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh... Trong giáo dục chính trị, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cũng chú trọng thực hiện tốt phương châm “xây” và “chống”, lấy “xây” để nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, khắc phục khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ.
Chính vì vậy, 5 năm qua, công tác giáo dục chính trị trong BĐBP đã có sự đổi mới cả về chất và lượng; hình thức, phương pháp tổ chức giảng dạy, sinh hoạt chính trị sáng tạo, phong phú. Qua đó, đã góp phần xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong BĐBP; củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ vào lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và xây dựng lực lượng.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì công tác giác dục chính trị tư tưởng trong BĐBP vẫn còn có những hạn chế khi chưa nắm và quản lý tốt các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Thậm chí có lúc, có nơi, một số lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên có biểu hiện xem nhẹ, chưa đề cao trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ dẫn đến không có biện pháp ngăn chặn, giải tỏa kịp thời và hậu quả là để xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP sẽ phải có sự đổi mới như thế nào trước yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng; sự tác động của điều kiện kinh tế - xã hội, của kinh tế thị trường, sự lôi kéo của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội.
Để trả lời câu hỏi này, cùng với việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục cho từng đối tượng, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các đơn vị trong BĐBP cần phải chú trọng lồng ghép giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục thường xuyên; giáo dục tình hình nhiệm vụ, giáo dục chung với giáo dục riêng; coi trọng giáo dục truyền thống của Quân đội, BĐBP, đơn vị, địa phương.
Đối với đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cấp ủy, tổ chức đảng và chỉ huy các cấp phải bám sát chương trình giáo dục của trên, tập trung giáo dục những vấn đề cơ bản và tăng cường thông tin bổ trợ những vấn đề cần tập trung nghiên cứu, cung cấp thêm các tài liệu bổ trợ gắn với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị để chứng minh. Hình thức giảng dạy cho đối tượng này cũng được các đơn vị tổ chức đa dạng theo phương pháp mở như: Học cuốn chiếu xoay vòng hay xuống tận các tổ đội, trạm để phổ biến, quán triệt, từ đó giúp cán bộ, đảng viên nắm chắc những vấn đề cơ bản trong các chuyên đề học tập và cập nhật mở rộng thêm kiến thức mới. Còn đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, phương pháp lên lớp chủ yếu học tập trung theo chuyên đề và tổ chức phổ biến, quán triệt có liên hệ với thực tế địa bàn, đơn vị để chứng minh.
Đồng thời, thông qua các hoạt động như: Tham quan các di tích lịch sử-văn hóa, hành quân về nguồn, giao lưu, kết nghĩa, mời nhân chứng lịch sử ở địa bàn đóng quân về đơn vị nói chuyện chuyên đề... để làm phong phú đa dạng các hình thức, phương pháp giáo dục. Cùng với đó, sau mỗi đợt tổ chức học tập chính trị, các đơn vị cũng coi trọng công tác kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm và tự luận để đánh giá toàn diện hệ thống kiến thức, trình độ hiểu biết, lập trường tư tưởng, thái đội chính trị của cán bộ, chiến sĩ, nhất là hạ sĩ quan - binh sĩ.
Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” 2013-2018 trong BĐBP, đã có 314 tập thể và 459 cá nhân được chỉ huy các cơ quan, đơn vị tặng giấy khen và các hình thức khen thưởng khác. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho tập thể Cục Chính trị BĐBP và cá nhân Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn; Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân; Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen cho 39 tập thể và 36 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
Cùng với đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị phong phú, bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở, cấp ủy, tổ chức Đảng, chỉ huy các cấp trong BĐBP cũng cần đặc biệt coi trọng công tác quản lý các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở. Tuy nhiên, việc quản lý các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ phải linh hoạt, sáng tạo đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức Đảng; chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy, có sự phân công, phân cấp rõ ràng với mục tiêu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng phẩm chất nhân cách người quân nhân cách mạng và con người mới trong Quân đội.
Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu, trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại... phải toàn diện, chặt chẽ, nhất là mục đích, động cơ, thái độ và hành vi ứng xử trong giải quyết các mối quan hệ cũng như sự tác động của các mối quan hệ đó đến nhận thức, tư tưởng và hành vi của quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với chiến sĩ mới nhập ngũ thì cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần nắm và quản lý chặt chẽ mối quan hệ của họ với gia đình, người thân để kịp thời phát hiện mâu thuẫn, vướng mắc cũng như những biểu hiện quan hệ thiếu lành mạnh để ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, cùng với tăng cường công tác giáo dục pháp luật, kỷ luật, giáo dục truyền thống để nâng cao lòng tự hào, ý chí phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, chiến sĩ; cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân, nơi cư trú của gia đình quân nhân để nắm vững mối quan hệ của quân nhân trong đơn vị, qua đó, kịp thời có biện pháp xử lý ngăn chặn những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Và một trong những yêu cầu quan trọng để cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn, động cơ phấn đấu trong sáng, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách quân nhân chính là các đơn vị từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố và các đồn Biên phòng phải xây dựng được một môi trường lành mạnh để cán bộ, đảng viên, quần chúng phấn đấu. Muốn vậy thì cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp phải tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong đơn vị, đảm bảo cho sự phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị; giúp cho mỗi cá nhân và đơn vị hoàn thành tốt nhiêm vụ, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Hương Mai