Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP

Biên phòng - Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp xây dựng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Viết Hà

- Thưa đồng chí, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, thách thức, tác động đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng BĐBP. Đồng chí đánh giá về vấn đề này như thế nào?

- Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP luôn ổn định, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Mặt khác, khu vực biên giới, biển đảo là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, bất cập; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, điển hình như đại dịch Covid-19, các đợt mưa lũ trong thời gian vừa qua; hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia... tiếp tục diễn biến phức tạp cùng với sự xâm nhập của lối sống thực dụng, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến nhận thức, tư tưởng và hoạt động, công tác của bộ đội; tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng của các đơn vị...

- Theo đồng chí, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP trong thời gian gần đây có tác động như thế nào đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ chính trị?

- Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng BĐBP, trong đó, đặc biệt quan trọng là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Nghị quyết khẳng định: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống...”. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định: “BĐBP là một Quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11-6-2019 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; ngày 25-11-2019, Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và ngày 11-11-2020, Quốc hội đã thông qua luật này. Đây là sự thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của BĐBP với mục tiêu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành chính là cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân, rộng khắp, nhân dân làm chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để giữ vững biên giới quốc gia. Luật Biên phòng Việt Nam cũng là niềm mong chờ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào nơi biên cương, giúp cho cán bộ, chiến sĩ thêm yên tâm công tác, gắn bó chặt chẽ với địa bàn biên giới, biển, đảo.

Đối với địa bàn biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực này, đó là công tác sắp xếp, quy hoạch dân cư, việc xây dựng và đầu tư các nguồn lực cho khu vực biên giới... Đây cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách, tăng thêm điều kiện, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển...

- Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả đạt được của BĐBP về công tác chính trị, tư tưởng thời gian qua?

- Thời gian qua, Cục Chính trị BĐBP đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp thực hiện hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng, bằng các hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo công tác tư tưởng luôn đi trước một bước. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị trong tiến hành công tác tư tưởng; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Cấp ủy các cấp thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và những quan điểm, chiến lược mới về quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, kỷ luật nghiêm, trong bất luận hoàn cảnh nào, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, toàn lực lượng đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức, phương pháp giảng dạy chính trị, tăng cường đầu tư trang bị, phương tiện đảm bảo cho công tác giáo dục chính trị. Gắn giáo dục chính trị với thực hiện nhiệm vụ chính trị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các thiết chế văn hóa, dân chủ với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, sinh hoạt “Tổ 3 người”...

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đã kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân, giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Tập trung tuyên truyền những sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, dân tộc, Quân đội và lực lượng, khơi dậy cho cán bộ, chiến sĩ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã cống hiến, hi sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tiếp tục củng cố niềm tin, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47 trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Các đơn vị đã có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu rõ về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, nhất là âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước với Quân đội và nhân dân.

Trong thông tin, tuyên truyền, BĐBP đã chú trọng biện pháp lấy “xây” để “chống”; tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương đưa các tin, bài về gương người tốt, việc tốt, các mô hình, phong trào, việc làm vì nhân dân của các cán bộ, chiến sĩ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP trên các mặt công tác, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội, nhất là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 hay xả thân cứu trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai.

Các thiết chế văn hóa ở các đơn vị không ngừng được quan tâm đầu tư, đảm bảo khá tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa của bộ đội. Hoạt động phòng Hồ Chí Minh, câu lạc bộ chiến sĩ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trò chơi trong giờ nghỉ, ngày nghỉ được tổ chức thường xuyên, tạo môi trường lành mạnh để ngăn ngừa các sản phẩm xấu, độc thâm nhập vào đơn vị.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua Quyết thắng, thi đua theo chuyên đề gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhân cách quân nhân theo các chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk M'bai, BĐBP Đắk Nông không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám trụ tại chốt phòng, chống dịch Covid-19, góp phần ngăn ngừa không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới. Ảnh: CTV

- Đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp mang tính đột phá nhằm tiếp tục giữ vững trận địa tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ thời gian tới?

- Thời gian tới, trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới và việc triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng BĐBP, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của từng cán bộ, chiến sĩ, từng cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng; các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác chính trị, tư tưởng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung xây dựng các tổ chức đảng và hệ thống chỉ huy vững mạnh; chú trọng xây dựng ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”; nhận thức rõ tính chất nguy hại của biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó, đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp. Đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là chính ủy, chính trị viên các cấp cần đề cao trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác tư tưởng ở đơn vị mình; duy trì nghiêm các chế độ, nề nếp hoạt động của công tác tư tưởng theo đúng quy định. Cơ quan chính trị các cấp cần thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy về các chủ trương, biện pháp tiến hành công tác chính trị, tư tưởng ở đơn vị.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, quân sự, nghiệp vụ và giáo dục truyền thống, kỷ luật, pháp luật cho bộ đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, kiến thức quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, phong tục, tập quán của đồng bào ở khu vực biên giới; coi trọng giáo dục truyền thống của Quân đội, BĐBP, đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội. Đây là giải pháp quan trọng, là yêu cầu khách quan trong tình hình hiện nay, theo đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị để tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, phương pháp tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp nêu gương và thuyết phục trong tiến hành công tác tư tưởng; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng; kết hợp lồng ghép các nội dung tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội và BĐBP.

Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm tốt công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, bám sát thực tiễn đất nước, Quân đội, BĐBP và diễn biến tư tưởng của bộ đội; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, từ đó, chủ động xây dựng các biện pháp tiến công nhằm ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các thủ đoạn của chúng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phản bác, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch theo phương châm: Chủ động, kịp thời, nhạy bén, sâu sắc, toàn diện, hiệu quả; phòng, chống sự thẩm thấu của văn hóa phản động, đồi trụy, lối sống thực dụng vào BĐBP.

Năm là, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp. Sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên là mệnh lệnh không lời, tạo niềm tin và hành động cho mọi cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng, noi theo. Vì thế, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội và những điều đảng viên không được làm. Cán bộ, đảng viên phải thực sự làm tấm gương mẫu mực trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng noi theo.

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác Biên phòng trong tình hình mới, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tích cực góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, làm cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của các tổ chức đảng để lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trần Đức - Thành Chung (thực hiện)

Bình luận

ZALO