Biên phòng - Sau gần 2 tuần tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, 9 doanh nghiệp trong tổng số hơn 330 doanh nghiệp trong 4 Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang, sau khi thí điểm thành công mô hình vừa sản xuất, vừa bảo đảm phòng, chống dịch, những doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh sẽ được phép quay lại sản xuất.
Những tín hiệu lạc quan từ Bắc Giang mở ra hướng tổ chức lại sản xuất trong các KCN nhằm thực hiện “mục tiêu kép” sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tấn công rất mạnh vào các KCN. Riêng tại tỉnh Bắc Giang kể từ trường hợp công nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 vào ngày 8-5, đến ngày 30-5, đã có 2.118 ca nhiễm, trong đó chủ yếu liên quan đến công nhân trong 4 KCN Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu và Song Khê - Nội Hoàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ Covid-19 bùng phát mạnh trong các KCN do điều kiện, môi trường sản xuất thiếu đảm bảo giãn cách và thông thoáng, nhất là việc giao lưu đi lại giữa lượng lớn công nhân và các chuyên gia nước ngoài, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Hiện, cả nước hiện có trên 70 nghìn nhà máy, 369 KCN tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600 nghìn lao động.
Trước thực trạng nhiều nhà máy bị phong tỏa do công nhân mắc Covid-19, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải cố gắng thực hiện bằng được mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, không gián đoạn nền kinh tế, đồng thời bảo đảm an toàn lao động, an toàn chống dịch, nhất là trong các KCN là ưu tiên hàng đầu.
Riêng tại 4 KCN của Bắc Giang hiện có nhiều doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn như: Apple, Samsung, Toyota, Honda. Nếu các KCN bị phong tỏa sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước và kéo theo hàng trăm nghìn công nhân nghỉ việc.
Thế nên, động thái cả nước dồn toàn lực hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh tập trung đẩy lùi dịch bệnh những ngày qua đã cho thấy tính đúng đắn, kịp thời của chiến lược: Giữ bằng được “thành trì” sản xuất.
Bằng mọi cách đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã triển khai quyết liệt và hiệu quả nhiều biện pháp dập dịch, bao gồm nâng cao công suất xét nghiệm diện rộng, truy vết, khoanh vùng thần tốc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện chống dịch...
Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng mô hình khép kín cho công nhân bảo đảm đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt, sản xuất và được cơ quan chức năng kiểm định, cho phép hoạt động.
Các chuyên gia y tế cho rằng, từ kinh nghiệm lần đầu tiên chống dịch trong các KCN quy mô lớn, chúng ta đã rút ra nhiều bài học quý báu với cách tiếp cận mới, cách làm mới sáng tạo.
Điển hình là chiến thuật phong tỏa theo từng điểm nhỏ và không thực hiện giãn cách xã hội cực đoan. Chiến thuật này đảm bảo sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của mỗi địa bàn, không áp dụng các biện pháp chống dịch quá “máy móc” ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Một khi ngành y tế đã sẵn sàng “4 tại chỗ”: xét nghiệm, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chí an toàn Covid-19, các công nhân được xét nghiệm âm tính liên tục, định kỳ thì các KCN có thể nhanh chóng nối lại hoạt động sản xuất.
Rõ ràng, với mức độ chống dịch được các địa phương nâng lên mức cao nhất, không chỉ tạo lập môi trường mới bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống người lao động.
Theo chiều ngược lại, bất cứ doanh nghiệp nào, nếu chưa đảm bảo các tiêu chí an toàn chống dịch, buộc phải cưỡng chế đóng cửa ngay cho tới khi thực hiện đúng và đủ các quy định.
Thanh Thảo