Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Giữ vững niềm tin nơi tuyến đầu (bài 5)

Biên phòng - Tuy vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng cùng với ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP trên tuyến đầu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 vẫn kiên cường bám trụ nơi biên giới, với tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai, mọi khó khăn sẽ vượt qua, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.

Bài 5: Niềm tin chiến thắng

Vững vàng nơi tuyến đầu phòng chống dịch

Cuối tháng 6-2021, CBCS Đồn Biên phòng Sa Loong, BĐBP Kon Tum rất phấn khởi vì 3 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và PCD (tạm gọi là chốt) tạm bợ trước kia đã được thay thế bằng 3 căn nhà bán kiêm cố từ sự quan tâm, đầu tư của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP. Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết, đơn vị đã huy động thêm gần 300 ngày công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo cảnh quan, môi trường xung quanh chốt. Cùng với việc đào xong 1 giếng nước, đơn vị còn trồng xung quanh mỗi chốt gần 200 cây lấy gỗ và 45 cây ăn quả các loại. “Cuối năm nay đã có chuối, đu đủ cho bộ đội ăn. Còn rau xanh thì các chốt cũng đã trồng đủ ăn” - Trung tá Phan Trọng Bình nói. Thượng úy A Kha, phụ trách chốt số 3 cho biết: “Trước kia, khó khăn nhất ở chốt là nước sạch, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào dòng suối. Hàng ngày, sau khi tắm giặt, mỗi chiến sĩ phải có trách nhiệm mang về chốt 20 lít nước. Sau khi được “xử lý” bằng cách lọc qua bồn có một lớp cát phía dưới, nước suối đó sẽ được dùng để nấu cơm, pha mỳ tôm và đun nước uống. Nay đã có giếng nước sạch, mọi người rất vui và thêm phần yên tâm bám chốt lâu dài”.

Phụ nữ Cồn Sơn (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) gói bánh tét, đưa lên tặng anh em trên chốt PCD số 19, Đồn Biên phòng Lạc Quới, BĐBP An Giang. Ảnh: Đăng Bảy

Từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân và chính quyền địa phương, phần lớn các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và PCD trên cả nước cơ bản đã ổn định về nơi ăn, chốn ở. Từ cao nguyên đá Hà Giang, trải dài qua miền Trung, Tây Nguyên, đến vùng cực Nam của Tổ quốc, ở chốt nào cũng thấy sự hiện diện của việc tăng gia sản xuất, thấy màu xanh dịu mát của những luống rau, những giàn mướp, bầu bí trĩu quả. Rất nhiều đơn vị còn nuôi được cả heo, ngan, gà, vịt. Đặc biệt, một số đơn vị còn đào ao thả cá. Điển hình là Đồn Biên phòng Lộc Thiện, BĐBP Bình Phước, bằng ý chí, nghị lực của người lính, đến đầu năm 2021, đã có 5/6 chốt của đơn vị đào được ao thả cá. Tây Nguyên nói chung hay Bình Phước nói riêng, mùa nào cũng vất vả. Mùa khô thì thiếu nước, nắng nóng như thiêu, như đốt. Mùa mưa thì gió to, sấm chớp, lũ quét, sạt lở, kèm theo đó là muỗi nhiều như ong vỡ tổ. Nguy hiểm nhất là các loài rắn độc như cạp nong, cạp nia, hổ mang, chàm quạp... luôn rình rập. Ở nhiều chốt, rắn chui vào tận ba lô tính làm tổ, rắn cuộn tròn trong giày của bộ đội là “chuyện thường ngày”.

Vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng từ biên giới Bình Phước, trong bức thư gửi mẹ, Trung úy Trần Tấn Lực, Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu vẫn thể hiện sự lạc quan và niềm tin chiến thắng: “Khó khăn là thế, vất vả là thế, nhưng mọi người vẫn không ngừng cố gắng. Cố gắng vì những người mình yêu thương, cố gắng vì phía trước là Tổ quốc, phía sau là hàng triệu đồng bào thân thương”. Mẹ bị tai nạn, mấy tháng không đi lại được, nhưng vì nhiệm vụ nên Lực không thể tranh thủ về thăm gia đình. Với nhiệt huyết và niềm tin của tuổi trẻ, Trung úy Trần Tấn Lực hứa với mẹ: “Chúng con sẽ luôn giữ biên giới bình yên và tin rằng, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, con sẽ sớm được về chăm sóc mẹ”.

Quân dân đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

Ở biên giới Kiên Giang, câu chuyện về 2 anh em ruột Danh Hải và Danh Thành Tài, người Khmer và đều là sĩ quan Biên phòng đang chung chiến hào PCD Covid-19 đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho CBCS về ngày chiến thắng dịch bệnh đang đến gần. Tôi gặp Thượng úy Danh Hải tại mốc số 35 trên biên giới Giang Thành, BĐBP Kiên Giang, anh chia sẻ, giữa tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Danh Hải đang học thêm nghiệp vụ tại Trường Trung cấp Biên phòng 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), được tăng cường đi PCD tại Đồn Biên phòng Tân Hà, BĐBP Tây Ninh.

Cũng thời điểm này, Danh Thành Tài (đang là học viên năm thứ 4 của Học viện Biên phòng) được tăng cường đi PCD ở huyện biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp, cuối tháng 7-2020, Hải và Tài cùng được điều về BĐBP Kiên Giang. Hiện nay, Thượng úy Danh Hải là Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Phú Mỹ và Thiếu úy Danh Thành Tài là Đội trưởng Đội Tham mưu-Hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành. Gần 2 năm nay, 2 anh em Hải-Tài luôn xung kích cùng đơn vị trên mặt trận PCD. Cách nhà trên dưới 30km, nhưng từ năm 2020 đến nay, cặp anh em Hải, Tài vẫn chưa nghỉ phép để về thăm nhà. “Tuy vất vả và còn nhiều gian khó, nhưng cả em và Tài đều rất vui và tự hào vì cùng được đứng chung trên một chiến hào PCD trên biên giới. Chúng em hẹn nhau hết dịch sẽ về thăm mẹ, thăm gia đình” - Hải nói.

Ở ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang), ai cũng biết chuyện lão nông Lý Văn Nhợi, người dân tộc Khmer đã nhường căn nhà nhỏ của gia đình cho BĐBP làm chốt. Căn nhà lá này nằm bên bờ sông Giang Thành, trước đây, vợ chồng ông Nhợi vừa dùng để ở, vừa canh giữ vuông tôm. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, biết Đồn Biên phòng Phú Mỹ đang đi khảo sát, tìm vị trí dựng chốt, ông Nhợi đưa vợ con, các cháu về bên chợ Phú Mỹ ở, nhường hẳn căn nhà và toàn bộ đồ đạc cho bộ đội mượn. Không những thế, ông Nhợi còn tình nguyện ở lại luôn trên chốt với bộ đội. “Thấy mấy em, mấy cháu vất vả quá nên mình cũng ở lại phụ với mọi người. Mình già yếu thì làm việc nhỏ. Chỉ mong bộ đội có sức khỏe, mau đẩy lùi dịch bệnh” - ông Nhợi chia sẻ.

Không chỉ ông Nhợi mà còn nhiều, rất nhiều các gia đình dọc theo biên giới trên cả nước đã nhường nhà cho bộ đội ở, cho bộ đội mượn đất để dựng chốt. Rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân luôn đồng hành, chia sẻ với bộ đội. Ngày nào cũng có các hoạt động, những tấm lòng thơm thảo hướng về biên giới. Có những món quà trị giá hàng tỷ, hàng trăm triệu đồng như các công trình thắp sáng đường biên giới, công trình nước sạch, năng lượng mặt trời, hay nhà ở cho các tổ, chốt. Và cũng có những món quà mang nặng ân tình, thể hiện sự quan tâm của hậu phương với tiền tuyến mà bộ đội không bao giờ quên, như chiếc bánh chưng, bánh tét, bánh xèo ngày lễ, tết, hay bó rau, mớ cá đến quả bầu, quả bí bà con mới hái trên nương, trên rẫy đem tặng cho bộ đội. Dù là nhiều hay ít, dù là nhỏ hay lớn, thì tất cả đó đều là tấm lòng sâu nặng, là sự gửi gắm niềm tin của nhân dân vào ngày mai đất nước sẽ bình yên, đẩy lùi dịch bệnh. Hơn ai hết, những người lính đang trên tuyến đầu PCD cũng luôn an tâm, xác định gắn bó lâu dài với biên giới và luôn vững tin vào ngày mai chiến thắng để nhân dân có được hạnh phúc trọn vẹn.

Nhóm phóng viên

Bình luận

ZALO