Biên phòng - Gần 2 năm qua, những người lính Biên phòng trên các tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới đất liền không chỉ nhận được sự quan tâm của cấp trên, mà còn có sự đùm bọc, chở che của nhân dân trên địa bàn và sự chia sẻ của hậu phương luôn hướng về tiền tuyến. Những tình cảm ấy chính là điểm tựa vững chắc để người lính nơi tuyến đầu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bài 3: Sức mạnh lòng dân trong xây dựng lũy thép phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới
Có một đặc điểm chung là dù ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc hay Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia thì rất nhiều chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là chốt) của các đồn Biên phòng đã được dựng trên đất của người dân biên giới. Cuộc sống khó khăn, nhưng người dân sẵn sàng hoãn lại việc canh tác để cho bộ đội mượn đất dựng chốt. Điều đó đã phần nào thể hiện “sức mạnh lòng dân” cùng BĐBP trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang cho biết: Phía đối diện địa bàn đơn vị quản lý là trấn Thèn Phùng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dân cư phát triển, đường đi lối lại rất thuận tiện là điều kiện thuận lợi để lượng lớn người nhập cảnh trái phép vào xã Xín Cái, xã Thượng Phùng.

Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Xín Cái đã lập 7 chốt để phòng, chống dịch và ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Tính đến hết tháng 6-2021, tất cả các chốt của đơn vị đã được hoàn thiện bán kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội sinh hoạt và làm việc. Để làm được điều đó, ngoài việc Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã quan tâm đầu tư, còn có những chốt được các doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ, như: Nhà máy thủy điện sông Nho Quế, nhà xe Quốc Khánh (chuyên chạy tuyến Mèo Vạc - thành phố Hà Giang). Không chỉ vậy, các chốt của Đồn Biên phòng Xín Cái cũng thường xuyên nhận được sự đùm bọc, chia sẻ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Điển hình như chốt mốc 450 được dựng gần nhà của chị Dính. Chị Dính là dân quân thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng nên hơn ai hết, chị hiểu được những vất vả của bộ đội khi phải căng mình trên biên giới ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Chị đã chủ động nói để các anh Biên phòng kéo điện từ nhà sang chốt. Nước ở vùng núi đá này rất hiếm, nhưng chị Dính cũng sẵn sàng chia sẻ cho các anh, vì “bộ đội nhiều việc thế lấy đâu ra thời gian mà xách nước”. Hay chuyện anh Nhi ở thôn Lùng Thàng (xã Xín Cái) có một mảnh đất trên đường ra mốc 485, dự định làm quán bán hàng. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, anh đã hoãn lại việc mở quán, cho Đồn Biên phòng Xín Cái mượn mảnh đất đó dựng chốt. Ở chốt không có nước, anh Nhi thường dùng xe ô tô của gia đình để chở nước cho bộ đội sinh hoạt.
Đường vô đến chốt loanh quanh/ Nhấp nhô đồi núi như tranh họa đồ/ Màu xanh áo lính điểm tô/ Vận chuyển vật liệu ô tô không bằng/ Đồng lòng bám trụ đường biên/ Dựng xây chốt mới giữ yên biên thùy. Những vần thơ trên được Thiếu tá Phan Hữu Hoài An, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị sáng tác khi chứng kiến chính quyền và nhân dân 2 xã A Bung, A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) giúp đơn vị vận chuyển nguyên vật liệu dựng chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 85. Chốt ở lưng chừng núi, lại chỉ có đường mòn nên mọi thứ đều phải dùng đến sức người. Anh Hồ Văn Tất (xã A Ngo), người tham gia giúp bộ đội vận chuyển vật liệu dựng chốt chia sẻ: “Dịch Covid-19 kéo dài khiến không chỉ người dân mà cả bộ đội cũng khổ. Thấy các anh dựng chốt, chúng tôi đến giúp. Tất cả cùng cố gắng vì biết rằng, dịch còn dài, bộ đội phải có chỗ ăn ở, làm việc kiên cố, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần”. Đó là một trong những câu chuyện trên dọc dài tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Còn rất nhiều gia đình đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều ở khắp các bản làng trên dãy Trường Sơn cũng luôn ưu tiên đặt việc của bộ đội lên hàng đầu. Đó là Đồn Biên phòng A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế duy trì 6 chốt thì 5 vị trí được người dân cho mượn đất. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị duy trì 30 chốt thì 25 chốt được dựng trên phần đất của người dân. Thậm chí, ở tỉnh Quảng Nam, có người sẵn sàng cho BĐBP mượn nhà đang ở để làm chốt như bà A Lăng Thị Dâng (thôn Ch’nóc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang)...

Vào mùa khô, khí hậu ở khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang vô cùng khắc nghiệt. Bên cạnh các chốt bán kiên cố, bộ đội phải làm những chòi lá để đứng gác. Người dân ở xung quanh thấy BĐBP vất vả, liền rủ nhau đến làm giúp. Người thì chặt cây, lấy lá, đào đất, đan phên, người thì mang cơm, thức ăn, nước uống. Bởi vậy mà những người lính Biên phòng luôn nghĩ rằng, trong tất cả các thành tích đạt được đều có một phần công sức của người dân. Tại chốt ấp Tà Em, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang, Binh nhất Trần Thanh Việt thuộc quân số Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng, tăng cường cho BĐBP Kiên Giang từ tháng 1-2021. Đã gần 2 năm, kể từ ngày nhập ngũ, Trần Thanh Việt chưa một lần đi phép và giờ đây, nắng gió miền Tây đã tôi luyện chàng lính trẻ thêm trưởng thành. Binh nhất Trần Thanh Việt chia sẻ: “Ở đây, người dân thương bộ đội lắm. Chốt vốn là nhà của chú Bảy, chú cho bộ đội mượn lấy chỗ ở và làm việc. Vì lâu không ở nên không có điện và nước thì má Sáu, nhà ở phía sau chốt cho chúng em kéo điện sang dùng. Nước sinh hoạt cũng lấy từ nhà má. Biết chúng em xa nhà, má thương lắm, hay làm bánh bò, bánh hỏi cho chúng em. Tình cảm của các tía, má, các cô chú, anh chị ở đây khiến em rất xúc động. Được sống trong tình thương như ruột thịt của mọi người khiến em vơi bớt nỗi nhớ nhà và yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Bài 4: Dựng “pháo đài” phòng chống dịch trên biên giới
Nhóm Phóng viên