Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Giữ vững niềm tin nơi tuyến đầu (bài 2)

Biên phòng - Thật khó để hình dung, trên điểm cao gần 1.000m so với mực nước biển nằm trên vùng ngã ba Đông Dương, những người lính Biên phòng (BP) cắm chốt bảo vệ biên giới, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch bệnh Covid-19 lại có thể bám trụ vững vàng trong điều kiện khó khăn đến như vậy. Cũng đã gần 4 mùa mưa-nắng đi qua, bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn, luôn vượt quá lằn ranh của sức chịu đựng, những người lính BP trên các điểm chốt đã có thể sống khỏe, sống tốt để tiếp tục khẳng định vai trò “lá chắn thép” trên đường biên giới…

Bài 2: Dáng dấp những “pháo đài” chặn dịch trên vùng ngã ba biên giới

Khi chồng làm lính, vợ làm… cha

Cái cảm giác bồi hồi khi được giải quyết một nửa “cơ số phép” về thăm gia đình của Đại úy Đặng Duy Bắc, Chốt trưởng chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 số 2, Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum chẳng khác là bao so với sự háo hức của chàng tân binh sau 3 tháng quân trường được về thăm mẹ. Không bồi hồi sao được khi đã gần 3 tháng trôi qua, kể từ ngày “đặt móng” xây dựng căn nhà, một trong những công trình được xem là lớn nhất cuộc đời mỗi con người, người lính ấy vẫn biền biệt trên điểm chốt. “Thượng vàng hạ cám” mọi việc từ mua sắm vật liệu, giám sát thi công đến nghiệm thu công trình, anh đều “khoán trắng” cho vợ. Hậu phương của người lính từ lâu đã trở thành trụ cột chính trong gia đình, kể cả những việc xưa nay vốn chỉ dành riêng cho phái mạnh.

Vườn rau xanh trên chốt phòng, chống dịch Covid-19 số 1, Đồn BP Sa Loong. Ảnh: Thái Kim Nga

Ở hậu phương, vợ lính gánh vác việc... làm cha để “đầu nỗi nhớ” phía trên biên giới yên tâm bám trụ. 2 năm qua, những kỳ nghỉ phép hay về tranh thủ của Đại úy Đặng Duy Bắc và đồng đội cứ thưa dần để tập trung toàn lực chặn dịch. Trên 51 điểm chốt cố định (cùng 19 tổ tuần tra lưu động) dọc đường biên giới từ chân núi Peng Ho nằm trên điểm cao 1.752m, nơi cực Bắc Tây Nguyên vào đến dòng Pô Cô huyền thoại, lính BP Kon Tum đã xây nên một “bức tường thép” bền bỉ, dẻo dai, dù thử thách có kể ra nhiều lần cũng không bao giờ cạn. Bên cạnh những trải nghiệm khắc nghiệt mà lính BP gọi là “đều như vắt chanh” đến cả trong giấc ngủ, đã có người vĩnh viễn nằm lại ngay trên đường biên, cột mốc trong cơn cuồng nộ của “mẹ thiên nhiên” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, để lại nỗi mất mát không gì bù đắp được cho gia đình, người thương và đồng đội như trường hợp Thượng úy Phạm Ngọc Hải, trinh sát viên Đồn BP Sông Thanh.

Tuy nhiên, vượt qua tất cả, lính BP trên vùng ngã ba Đông Dương vẫn kiên trì, từng bước khắc chế điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để tạo nên sức sống dẻo dai trên biên giới. Họ hoàn toàn vững tâm làm người lính bám trụ trên tuyến đầu chặn dịch, bởi ở hậu phương đã có những người vợ đảm đương thay trách nhiệm của người làm chồng, làm cha.

Dáng dấp những “pháo đài” xanh trên biên giới

Có một điều rất dễ cảm nhận khi lên thăm các điểm chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 dọc tuyến biên giới tỉnh Kon Tum, đó là việc tổ chức tốt đời sống, sinh hoạt, công tác cho bộ đội, bảo đảm sức khỏe và tính cơ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Ở khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y - điểm “yết hầu” trên vùng ngã ba Đông Dương, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Bờ Y triển khai hơn 30 điểm chốt cố định và tổ tuần tra lưu động, “bịt kín” mọi ngả đường trên biên giới. Tại đây, từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, đồn đã hoàn thiện lắp ráp 6 nhà bán kiên cố, cùng với 2 trạm kiểm soát, bảo đảm nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt, công tác ở mức tốt nhất cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ.

Đại úy Vũ Văn Thụ, Tổ phó tổ chốt số 3 chia sẻ: “Việc hoàn thiện nhà bán kiên cố không chỉ nâng cao chất lượng đời sống cho bộ đội, mà còn giúp chúng tôi tổ chức, duy trì các chế độ theo quy định. Hàng ngày, sau những giờ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới, anh em thay phiên nhau về đây tổ chức giao ban, tăng gia sản xuất, hoạt động thể thao và ăn nghỉ. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cây xanh sẽ được che kín trên các điểm chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19”.

Lệch một chút sang hướng Nam cửa khẩu quốc tế Bờ Y, “chiến dịch” trồng cây xanh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tại các điểm chốt cũng đã và đang được cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum triển khai trên quy mô lớn. Hàng ngàn cây xanh đủ chủng loại như trắc, sưa, thông, sao, bằng lăng được Ban chỉ huy đơn vị cấp phát đến từng bộ phận để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp xung quanh đơn vị, các chốt kiểm soát, phòng chống dịch, cột mốc và đường tuần tra biên giới. Cùng với đó là những vườn, ao, chuồng theo kiểu “bộ đội đến đâu, rau xanh đến đó”, giúp cho bữa ăn mỗi ngày của người lính nơi chốt tiền tiêu thêm phần “bài bản” hơn, thịnh soạn hơn.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Đáng, Chốt trưởng chốt số 3, Đồn BP Sa Loong cho biết: “Dọc dài hàng chục km đường biên giới trên khu vực chốt đảm nhiệm không hề tồn tại bất kỳ một “mắt sóng” di động nào cả. Để cập nhật thông tin, lựa chọn duy nhất của chúng tôi là sóng radio lúc được, lúc mất và những tờ báo được luân chuyển từ đồn lên với cung đường gần 60km. Ở đây, mùa khô thì nắng nóng, còn khi mưa về, muỗi vắt nhiều vô kể. Mặc dù vậy, một khi đã được ở trong ngôi nhà bán kiên cố như thế này, mọi khó khăn, trở ngại sẽ từng bước được giải quyết, giúp chúng tôi yên tâm bám trụ vững vàng hơn trên biên giới”.

Cũng theo chia sẻ của Chốt trưởng Nguyễn Xuân Đáng, “bài toán” nguồn thực phẩm tại chỗ đã cơ bản được giải quyết từ những ngày đầu lên đây cắm chốt. Ban chỉ huy đồn đặc biệt quan tâm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tăng gia sản xuất trên các điểm chốt phòng chống Covid-19. Riêng tại chốt số 3, bên cạnh hàng trăm cây xanh được trồng quây kín, anh em còn tận dụng những khu vực đất tốt, thuận tiện nguồn nước tưới tiêu để trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vịt. Mới đây nhất, Đồn trưởng đã lên trực tiếp chỉ đạo và tham gia đào giếng lấy nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt cho anh em. “Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi lứa cây xanh bén rễ, chắc chắn chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 số 3, Đồn BP Sa Loong sẽ trở thành “pháo đài xanh” vững vàng trên biên giới” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Đáng khẳng định.

Trong câu chuyện của người Chốt trưởng, tôi đặc biệt ấn tượng đến sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ của những người lính trên tuyến đầu chặn dịch. Hôm anh em tổ chức đào giếng, trời nóng như thiêu như đốt mà công việc lại kéo dài đến tận 12 giờ trưa. Nhìn anh em cởi áo vắt mồ hôi, Chốt trưởng quyết luôn một “suất” chạy máy nổ để bật quạt cho mát. Tuy nhiên, mấy anh em lính trẻ lại lắc đầu: “Thôi, chú ạ, để dành xăng phục vụ cho việc tuần tra, mật phục trên biên giới”. Chỉ một chi tiết rất nhỏ thế thôi cũng đủ để thấy sự khắc nghiệt của tự nhiên và lòng quyết tâm của người lính.

Đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, nhưng có lẽ đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ “thất trận” trước sự bền bỉ, dẻo dai mà người lính trên chốt tiền tiêu đã và đang thể hiện. Và trên tất cả, sau những mất mát hy sinh, sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội và sức chịu đựng bền gan của người lính, dáng dấp những “pháo đài” xanh, vững chãi trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang dần được hình thành và phát huy sức mạnh trên biên giới.

Tính đến hết tháng 6-2021, trên các tuyến biên giới, BĐBP đang duy trì 1.915 tổ, chốt phòng chống dịch Covid-19 với 13.218 người tham gia, trong đó, có 7.803 cán bộ, chiến sĩ BĐBP, 5.415 người thuộc các lực lượng khác. Trên vùng biển Tây Nam, duy trì 22 tàu, 25 xuồng/448 cán bộ, chiến sĩ, trong đó, BĐBP có 14 tàu, 25 xuồng/320 cán bộ, chiến sĩ; Quân chủng Hải quân có 4 tàu/57 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển có 4 tàu/71 cán bộ, chiến sĩ. Đến nay, đã có 581 tổ, chốt cố định thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP của 25 tỉnh, thành phố biên giới đất liền được kiên cố hóa từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh BĐBP và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hiện tại, Bộ Tư lệnh BĐBP đang tiếp tục triển khai kiên cố hóa thêm 330 tổ, chốt từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng.

Bài 3: Sức mạnh lòng dân trong xây dựng lũy thép phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO